Những điểm mới của Quyết định số 25/2021/QĐ-TTg ngày 22/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ quy định về xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật và Thông tư số 09/2021/TT-BTP hướng dẫn thi hành Quyết định số 25/2021/QĐ-TTg
Những điểm mới của Quyết định số 25/2021/QĐ-TTg ngày 22/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ quy định về xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật và Thông tư số 09/2021/TT-BTP hướng dẫn thi hành Quyết định số 25/2021/QĐ-TTg
Những điểm mới của Quyết định số 25/2021/QĐ-TTg ngày 22/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ quy định về xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật và Thông tư số 09/2021/TT-BTP hướng dẫn thi hành Quyết định số 25/2021/QĐ-TTg
Ngày 22/7/2021, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 25/2021/QĐ-TTg quy định về xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật (sau đây gọi là Quyết định số 25/2021/QĐ-TTg) thay thế Quyết định số 619/QĐ-TTg ngày 8/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ quy định về xây dựng xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật (sau đây gọi là Quyết định số 619/QĐ-TTg). Sau khi Quyết định số 25/2021/QĐ-TTg được ban hành, Bộ trưởng Bộ Tư pháp đã ban hành Thông tư số 09/2021/TT-BTP hướng dẫn thi hành Quyết định số 25/2021/QĐ-TTg (sau đây gọi là Thông tư số 09/2021/TT-BTP) thay thế Thông tư số 07/2017/TT-BTP ngày 28/7/2017 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp quy định về điểm số, hướng dẫn cách tính điểm các chỉ tiêu tiếp cận pháp luật, Hội đồng đánh giá tiếp cận pháp luật và một số nội dung về xây dựng xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật (sau đây gọi là Thông tư số 07/2017/TT-BTP).
Quyết định số 25/2021/QĐ-TTg, Thông tư số 09/2021/TT-BTP có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2022 và được ban hành với nhiều điểm mới nhằm tạo cơ sở pháp lý vững chắc để triển khai công tác đánh giá, công nhận xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật được thường xuyên, liên tục, bảo đảm tính thực chất, hiệu lực, hiệu quả.
Về điểm mới của Quyết định số 25/2021/QĐ-TTg so với Quyết định số 619/QĐ-TTg:
Thứ nhất, Quyết định số 25/2021/QĐ-TTg được ban hành theo hình thức văn bản quy phạm pháp luật, từ đó trách nhiệm của chính quyền cấp xã trong thực hiện các nhiệm vụ do pháp luật quy định được nâng lên, quyền, lợi ích hợp pháp trong cuộc sống hàng ngày của người dân được tôn trọng và bảo vệ; kỷ luật, kỷ cương và tính công khai, minh bạch trong hoạt động của chính quyền cấp xã ngày càng được củng cố, duy trì, hướng tới việc tạo lập một môi trường pháp lý lành mạnh ở cơ sở.
Thứ hai, Quyết định số 25/2021/QĐ-TTg quy định tiêu chí xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật gồm 05 tiêu chí với 20 chỉ tiêu, giảm 05 chỉ tiêu so với Quyết định số 619/QĐ-TTg. Trọng tâm là việc xây dựng và ban hành văn bản theo thẩm quyền để tổ chức và bảo đảm thi hành Hiến pháp và pháp luật trên địa bàn; tiếp cận thông tin, phổ biến, giáo dục pháp luật; hòa giải ở cơ sở, trợ giúp pháp lý; thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn; tổ chức tiếp công dân, giải quyết kiến nghị, phản ánh, khiếu nại, tố cáo, thủ tục hành chính; bảo đảm an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội.
So với Quyết định số 619/QĐ-TTg, bộ tiêu chí đã kế thừa có sự chỉnh sửa các chỉ tiêu đồng thời bổ sung mới các chỉ tiêu về triển khai các hình thức, mô hình thông tin, phổ biến, giáo dục pháp luật hiệu quả tại cơ sở; thông tin, giới thiệu về trợ giúp pháp lý theo đúng quy định pháp luật về trợ giúp pháp lý nhằm tạo điều kiện tốt nhất cho người dân trong việc tiếp cận với pháp luật và các quyền, lợi ích hợp pháp của mình.
Thứ ba, Quyết định số 25/2021/QĐ-TTg khắc phục những bất cập, hạn chế về điều kiện đánh giá, công nhận xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật. Theo đó, xã, phường, thị trấn được công nhận đạt chuẩn tiếp cận pháp luật phải đáp ứng đầy đủ 03 điều kiện: Tổng số điểm của các tiêu chí đạt từ 80 điểm trở lên; tổng số điểm của từng tiêu chí đạt từ 50% số điểm tối đa trở lên; trong năm đánh giá, không có cán bộ, công chức là người đứng đầu cấp ủy, chính quyền cấp xã bị xử lý kỷ luật hành chính do vi phạm pháp luật trong thi hành công vụ hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Điểm mới của quy định về điều kiện là áp dụng mức điểm tổng thống nhất, không phân loại cấp xã loại I, loại II và loại III nhằm bảo đảm sự công bằng cho người dân trong thụ hưởng quyền, lợi ích theo quy định của pháp luật. Quyết định số 25/2021/QĐ-TTg cũng bỏ điều kiện về kết quả đánh giá sự hài lòng của tổ chức, cá nhân trong thực hiện thủ tục hành chính ở cấp xã vì việc thực hiện quy định này trong thời gian qua còn hình thức.
Bên cạnh đó, nếu Quyết định số 619/QĐ-TTg quy định điều kiện là trong năm không có cán bộ, công chức cấp xã bị xử lý kỷ luật bằng hình thức từ cảnh cáo trở lên do vi phạm pháp luật trong thực thi công vụ hoặc phải bồi thường thiệt hại do hành vi công vụ trái pháp luật gây ra thì Quyết định số 25/2021/QĐ-TTg quy định điều kiện là không có cán bộ, công chức là người đứng đầu cấp ủy, chính quyền cấp xã bị xử lý kỷ luật hành chính do vi phạm pháp luật trong thi hành công vụ hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Thứ tư, khắc phục những bất cập, hạn chế về trình tự, thủ tục đánh giá, công nhận xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật. Theo đó, thời hạn thực hiện đánh giá, công nhận xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật được sửa đổi theo hướng tăng cho cả cấp xã và cấp huyện, bảo đảm phù hợp với yêu cầu và nhiệm vụ được giao của từng cấp. Cụ thể:
Thời gian cấp xã gửi hồ sơ đề nghị công nhận cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật đến cấp huyện tăng lên (“trước ngày 05 tháng 01 của năm liền kề sau năm đánh giá” được sửa đổi thành “trước ngày 10 tháng 01 của năm liền kề sau năm đánh giá”).
Thời gian Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện xem xét, quyết định công nhận cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật tăng lên (“trước ngày 25 tháng 01 của năm liền kề sau năm đánh giá” được sửa đổi thành “trước ngày 10 tháng 02 của năm liền kề sau năm đánh giá”).
Thứ năm, so với Quyết định 619/QĐ-TTg, thành phần hồ sơ đề nghị công nhận có thay đổi để phù hợp với điều kiện công nhận mới. Quyết định số 25/2021/QĐ-TTg bỏ quy định Bảng tổng hợp kết quả đánh giá sự hài lòng của tổ chức, cá nhân và bổ sung quy định về Bản tổng hợp, tiếp thu, giải trình ý kiến của tổ chức, cá nhân về kết quả tự đánh giá, chấm điểm các tiêu chí, chỉ tiêu (nếu có) trong hồ sơ đề nghị công nhận đạt chuẩn.
Thứ sáu, Quyết định số 25/2021/QĐ-TTg quy định một số nhiệm vụ mới cho các cơ quan, tổ chức trong đánh giá, công nhận xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật để nâng cao trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức trong đánh giá, công nhận xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật:
- Bộ Tư pháp được giao một số nhiệm vụ mới về xây dựng, vận hành, quản lý phần mềm đánh giá, công nhận cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật; lựa chọn địa phương để tổ chức thực hiện đánh giá sự hài lòng của người dân về hiệu quả xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật.
- Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương được giao chỉ đạo các giải pháp khắc phục tồn tại, hạn chế, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thực hiện các tiêu chí, chỉ tiêu xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật; xác định rõ trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong trường hợp xã, phường, thị trấn chưa đạt chuẩn tiếp cận pháp luật hoặc việc đánh giá, công nhận xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật không đúng quy định pháp luật.
Về điểm mới của Thông tư số 09/2021/TT-BTP so với Thông tư số 07/2017/TT-BTP:
Thứ nhất, do các tiêu chí, chỉ tiêu đã thay đổi nên nội dung, điểm số và cách xác định điểm của các tiêu chí, chỉ tiêu và các tài liệu phục vụ việc đánh giá đã được quy định mới tại Phụ lục I của Thông tư số 09/2021/TT-BTP. Theo đó, Thông tư số 09/2021/TT-BTP quy định việc chấm điểm, đánh giá cần dựa vào các tài liệu là những kết quả, sản phẩm đầu ra đạt được khi chính quyền và công chức cấp xã triển khai trách nhiệm được giao theo quy định của pháp luật. Các tài liệu này không làm phát sinh hồ sơ, nhiệm vụ mới cho chính quyền cấp xã, đây là điểm mới được quy định để khắc phục tính hình thức, hạn chế trong tổ chức đánh giá, chấm điểm các tiêu chí, chỉ tiêu theo Thông tư số 07/2017/TT-BTP. Đồng thời quy định rõ, chỉ khi cần thiết thì cơ quan nhà nước có thẩm quyền, Ủy ban nhân dân cấp huyện mới yêu cầu Ủy ban nhân dân cấp xã cung cấp các tài liệu này để phục vụ kiểm tra, thẩm định, công nhận xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật.
Thứ hai, quy trình đánh giá, công nhận xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật và các biểu mẫu đánh giá được quy định cụ thể, rõ ràng, tạo thuận lợi cho cấp xã, cấp huyện tổ chức triển khai nhiệm vụ. Tại quy trình cũng như các biểu mẫu đều phân định rõ các nhiệm vụ, công việc cụ thể theo từng cấp.
Thứ ba, về thành phần Hội đồng đánh giá chuẩn tiếp cận pháp luật có sự thay đổi. Thông tư số 09/2021/TT-BTP có quy định mới về việc mời đại diện lãnh đạo Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp huyện làm Phó Chủ tịch Hội đồng đánh giá chuẩn tiếp cận pháp luật. Các thành phần Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và một số tổ chức chính trị - xã hội cấp huyện, Văn phòng Điều phối nông thôn mới không còn là ủy viên Hội đồng đánh giá chuẩn tiếp cận pháp luật.
Thứ tư, bên cạnh trách nhiệm chỉ đạo, hướng dẫn, theo dõi, đôn đốc, kiểm tra của các cơ quan, tổ chức, cá nhân, Thông tư số 09/2021/TT-BTP còn quy định về việc chính quyền các cấp thực hiện báo cáo kết quả nhiệm vụ xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ đánh giá, công nhận xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật tại địa phương về Bộ Tư pháp trước ngày 20 tháng 02 của năm liền kề sau năm đánh giá. Ủy ban nhân dân cấp huyện tổng hợp, báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ đánh giá, công nhận xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật tại địa phương về Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trước ngày 15 tháng 02 của năm liền kề sau năm đánh giá; Ủy ban nhân dân cấp xã chỉ đạo, tổ chức thực hiện Thông tư tại địa phương, phân công các công chức chuyên môn theo dõi thường xuyên, chấm điểm, đánh giá từng tiêu chí, chỉ tiêu gắn với trách nhiệm, nhiệm vụ của công chức.
Những điểm mới của Quyết định số 25/2021/QĐ-TTg và Thông tư số 09/2021/TT-BTP có tính khoa học, khả thi, phù hợp với thực tiễn; khắc phục những bất cập, hạn chế của Quyết định số 619/QĐ-TTg và Thông tư số 07/2017/TT-BTP. Với những quy định mới sẽ góp phần nâng cao trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức trong đánh giá, công nhận cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật từ đó nâng cao chất lượng phục vụ nhân dân tại cơ sở./.
NGỌC HUYỀN
Sở Tư pháp