TIN MỚI
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
TIẾN ĐỘ GIẢI QUYẾT HỒ SƠ

image advertisementimage advertisement
image advertisement
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Thư gửi Bố
Ngày 28/8 hàng năm luôn là thời điểm khơi gợi lại trong lòng con niềm tự hào về những trang sử vẻ vang, về những dấu son của Ngành Tư pháp nơi con đang làm việc; mốc thời gian này cũng luôn nhắc con nhớ tới niềm tin yêu và những lời dặn dò của Bố dành cho con những ngày đầu con mới đi làm... Tất cả đã trở thành động lực, là sợi chỉ đỏ chỉ dẫn giúp con luôn vững vàng trong suốt quá trình con nỗ lực công tác.

Ngày 28/8 hàng năm luôn là thời điểm khơi gợi lại trong lòng con niềm tự hào về những trang sử vẻ vang, về những dấu son của Ngành pháp nơi con đang làm việc; mốc thời gian này cũng luôn nhắc con nhớ tới niềm tin yêu và những lời dặn dò của Bố dành cho con những ngày đầu con mới đi làm... Tất cả đã trở thành động lực, là sợi chỉ đỏ chỉ dẫn giúp con luôn vững vàng trong suốt quá trình con nỗ lực công tác.

 Ngày 28/8 năm nay rất khác mọi năm, bởi vì con viết thư gửi Bố trong tâm thế nhớ thương và hẫng hụt vô cùng; con viết thư gửi Bố khi quỹ thời gian của Bố không còn nhiều ở bên con nữa, khi Bố đang phải hàng ngày chiến đấu với căn bệnh K...

 Bố yêu của con!

Tại thời điểm bác sĩ thông báo về bệnh tình của Bố, cảm giác lúc đó với con là sự vỡ vụn hoàn toàn, là cú sốc đắng cay và đau khổ lần đầu tiên con phải chịu đựng. Điều đó có nghĩa là gì? Nghĩa là Bố của con sẽ rất nhanh thôi từ bỏ chúng con mà đi, nghĩa là rất nhanh thôi con sẽ mồ côi Bố, rất nhanh thôi con sẽ mất đi một chỗ dựa bình yên và vững chắc nhất trong cuộc đời, và đơn giản là rất nhanh thôi con sẽ không bao giờ còn được nhìn thấy Bố của con ở trên đời này nữa ... Ngay lúc đó và những ngày sau đó ký ức tuổi thơ như những thước phim quay chậm cứ cào xé tâm can con... Tuổi thơ càng đẹp con càng đau đớn...

Tuổi thơ là những tháng ngày con là một bé con chưa lấy gì làm đẹp nhưng lúc nào Bố cũng gọi con là con gái xinh của Bố. Đó là những tháng ngày Bố trằn trải nuôi chúng con ăn học, và dù cuộc sống còn khó khăn nhưng Bố luôn mang đến nhiều niềm vui cho chúng con. Con không thể nào quên được hình ảnh Bố ngược xuôi về quê chở nhãn xuống thành phố để bán. Hàng hóa không biết có bán được nhiều không nhưng mỗi buổi trưa Bố về cả nhà đều rộn tiếng cười, mấy chị em thấy được niềm vui ắp đầy trong mắt Bố khi Bố trao cho các con chùm nhãn ngọt nhất mà Bố đã cẩn thận cất riêng trong chiếc mũ cối bạc màu, niềm vui ấy lấp lánh trong những giọt mồ hôi long lanh như những hạt cườm đậu trên viền tóc Bố, niềm vui nhảy nhót bồng bềnh trong cả căn nhà đầy nắng...

Con không thể nào quên được niềm hạnh phúc mỗi lần Bố đưa chị em con đi ăn kem ở hàng kem Tam Đồng. Ngày đó, cả nhà cùng ngồi xoay quanh một chiếc bàn bé xíu, vị ngọt mát tuyệt trần đời chảy tan trên đầu lưỡi, len xuống gần chỗ trái tim rồi luồn lách hết thảy “lục phủ ngũ tạng” ... khiến cậu em út thích thú xuýt xoa rồi cười khanh khách. Và với con còn hơn thế nữa, đó là niềm kiêu hãnh ấu thơ khi được diễn tả lại niềm kem rất VIP đó với chúng bạn trong xóm nghèo...

Con còn nhớ rất rõ khi con quyết định thi vào ngành Tư pháp, Bố đã phân tích rất nhiều trong tương quan với các Ngành khác cũng đang tuyển chuyên môn Luật. Bố nói ngành này phù hợp với con, nếu con cố gắng con sẽ tiến bộ được rất nhiều. Nhưng không có gì là đơn giản cả, ngành nghề nào cũng cần có sự “bền gan vững chí”; còn nhớ những ngày đầu khi công việc còn mới mẻ, chưa có nhiều kinh nghiệm, vốn sống cũng chưa nhiều nên con gặp không ít khó khăn trong công việc. Thời điểm ấy con mỏi lắm, con mệt lắm, con áp lực lắm... nhưng vẫn cố gắng để hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao như lời Bố dặn. Xong công việc, con trở về nhà thăm Bố mẹ, Bố ngồi lặng im để con tỉ tê kể lể hồi lâu, rồi Bố “thong thả” cười: “Sao con gái tôi tính nóng mà thiếu tinh thần chiến đấu thế”. Đang “Hậu stress” lại bị Bố “phê bình” làm con vừa có chút tự ái nhưng vì “trúng” quá nên tự nhiên con thấy mọi điều thật nhẹ. Đúng rồi, sao tự dưng mình thiếu tính chiến đấu thế, sao lại chùn bước... và rứa là con gái Bố lại tiếp tục cố gắng nhiều.

Bố luôn dặn con rằng: “Làm nghề nào cũng phải chăm chỉ và đặc biệt phải có tâm với nghề; với công việc tiếp xúc trực tiếp với người dân thì lại càng phải xem giải quyết công việc của họ cũng như là đang giải quyết công việc cho chính mình thì con mới trưởng thành cả trong công việc và trong cuộc sống được. Khi yêu nghề, yêu người con sẽ cảm nhận được trái tim con đẹp như một vườn hoa thơm. Và hơn hết, khi yêu nghề, Bố chỉ mong rằng con gái Bố sẽ tìm được một “thảo nguyên xanh tươi trong chính tâm hồn mình” (*). Và con đã trưởng thành hơn từng ngày trong cuộc sống và công việc thật. Bố à, trong quá trình giải quyết công việc con cảm nhận được rõ nét nỗi đau sau những câu chuyện ngang trái, éo le của số phận những đứa trẻ bị bỏ rơi, những đứa trẻ khai sinh phải để trống tên cha hoặc tên mẹ ... – Là những khoảng trống mà cả cuộc đời này không ai có thể khỏa lấp được, nó trống rỗng, hoang hoải và đau đáu, hư vô... Trong nhiều năm làm nghề, trong nhiều chuyến công tác đi cơ sở từ miền xuôi đến miền ngược, từ đồng bằng đến miền núi con dễ dàng cảm nhận được những mong mỏi, khát khao của rất nhiều người dân khi đi giải quyết các vấn đề về hộ tịch ... Đó là niềm hân hoan, nâng niu, tự hào và hạnh phúc của một người cha, người mẹ, người ông, người bà khi cầm trên tay tờ giấy khai sinh khi đăng ký sự kiện sinh cho con cháu; là nỗi mất mát, bơ vơ của người con hay niềm đau xót của “Người đầu bạc tiễn người đầu xanh” khi đăng ký sự kiện khai tử ... Làm nghề tư pháp đăng ký sự kiện khởi đầu và kết thúc của một đời người... tất cả đều thôi thúc con nhận thấy cần nhiều hơn nữa sự tận tụy, sự cảm thông và chia sẻ đối với người dân khi mình làm nhiệm vụ... Trong những chuyến công tác cùng những người đồng nghiệp đến các huyện miền núi Nghệ An, đến tận các bản của xã Na Ngoi, Mường Típ, Nậm Cắn (Kỳ Sơn), xã Thông Thụ, Tri Lễ (Quế Phong) ... để hướng dẫn các trường hợp người Lào làm hồ sơ nhập quốc tịch Việt Nam bằng thủ tục rút gọn theo kế hoạch của tỉnh con mới thấm được những vất vả, khó khăn của Ngành. Xe chở đoàn công tác leo chênh vênh trên dốc cao, lao qua những chỗ đèo “ngoặt khúc sông lượn”... có những đoạn đường các “công tác viên” quá mệt phải xin bác tài dừng lái bước xuống xe chỉ để ... thở, nhưng cả Đoàn vẫn vui vẻ cùng nhắc câu nói của Cục trưởng Cục hộ tịch, quốc tịch, chứng thực Nguyễn Công Khanh: “Chúng ta nhìn về phía trước, với mục tiêu cao đẹp của công tác hộ tịch. Đó là đến một ngày, trên đất nước mình tất cả mọi người đều có giấy tờ, có họ tên, có quốc tịch để “Không ai bị bỏ lại phía sau””. Và con đã dần trưởng thành cùng với các đồng nghiệp trong những chuyến đi như thế...

Bố yêu kính của con!

Có ai ngờ được rằng chính cái ngày Bố biết được Bố bị bạo bệnh thì Bố lại là người mạnh mẽ nhất. Giây phút bàng hoàng nhanh chóng qua đi và chính Bố lại là chỗ dựa tinh thần tốt cho cả Gia đình. Con gái đã phải giấu tình trạng bệnh của Bố, đã phải quay quắt rối bời trong vô vàn nỗi đau khi nghĩ đến nỗi buồn của Bố vào thời khắc Bố biết mình bạo bệnh... Nhưng, Bố lại vẫn luôn là trụ cột sừng sững của Gia đình; Bố mỉm cười, Bố sống ý nghĩa từng phút giây còn lại; Kể cả sau tất cả những lần phẫu thuật đau đớn, những thủ tục xét nghiệm mệt mỏi và những đêm dài đáng sợ trong bệnh viện; bất kể khi mái tóc đã bị rụng hoàn toàn vì hóa chất... Bố vẫn mạnh mẽ và kiên cường. Bố tham gia các sự kiện giao lưu thơ cùng các nhà thơ trong tỉnh và Bố sống đúng như lòng yêu sống của nhà thơ Xuân Diệu mà Bố yêu thích từ thời trai trẻ: “Nhưng mà tôi sẽ chết than ôi/ Tôi kẻ đưa răng bấu mặt trời/ Kẻ đựng trái tim trìu máu đất/ Hai tay chín móng bám vào đời” (Hư vô – Xuân Diệu). Nội dung đoạn thơ ai cũng rõ: Lòng yêu đời nồng cháy của Xuân Diệu; ông bấu, ông đựng, ông bám vào trời, đất, cuộc đời bằng các "công cụ" của chính thân xác ông: răng (bấu), tim (đựng), móng tay (bám). Đoạn thơ nói hết được lòng mong mỏi toàn thân bám đời của Xuân Diệu. Thì đây, Bố của con cũng mãnh liệt yêu sống như thế ...

 Và như bao bệnh nhân K khác, Bố đã có kế hoạch cho năm tiếp theo, mặc dù Bố biết rằng quỹ thời gian của mình còn rất rất ít. Một trong những mong mỏi đầu tiên của Bố khi biết bệnh là Bố muốn được “Đi cùng con cháu một đoạn đường nữa”... Bố luôn mong mỏi rằng con gái sẽ ngày càng trưởng thành trong công việc và cuộc sống, sẽ chạm tới được vùng  “thảo nguyên xanh” trong tâm hồn. “Đi một ngày đàng, học một sàng khôn”, với những kiến thức pháp luật đã được đào tạo kết hợp với kinh nghiệm và khả năng vận dụng kinh nghiệm, thực tế trong công tác, con sẽ luôn phấn đấu để trưởng thành, để cứng cáp...

Những dịp ngày 28/8 về, được tiếp cận với hàng ngàn tư liệu trong mỗi thước phim, mỗi khuôn hình, những câu chuyện của nghề tư pháp, pháp luật được tái hiện chân thực, sinh động, con càng thấy yêu ngành, yêu nghề; thêm tự hào và trân quý giá trị thượng tôn Hiến pháp và pháp luật của ngành Tư pháp mà Bố đã dẫn dắt con... Mệt con về với Bố, thất bại, buồn vui con đều trở về bên Bố... nhưng còn được mấy mùa xuân nữa chúng con có Bố? Còn được mấy dịp Thành lập Ngành nữa con còn Bố? 

Trần Khánh - Phó Trưởng phòng Hành chính Tư pháp - Sở Tư pháp
Tin liên quan
 
1234

CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ SỞ TƯ PHÁP TỈNH NGHỆ AN

Trưởng ban biên tập: Ông Nguyễn Công Hoan - Phó Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Nghệ An

Điện thoại: 038.3 842 283/ Email: tp@nghean.gov.vn

Địa chỉ: số 56 Nguyễn Thị Minh Khai - Hưng Bình - TP.  Vinh tỉnh Nghệ An

® Ghi rõ nguồn Cổng TTĐT Sở Tư pháp tỉnh Nghệ An (hoặc tuphap.nghean.gov.vn) khi trích dẫn tin từ địa chỉ này.