TIN MỚI
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
TIẾN ĐỘ GIẢI QUYẾT HỒ SƠ

image advertisementimage advertisement
image advertisement
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Thực hiện Luật Nuôi con nuôi và Công ước La-Hay về bảo vệ trẻ em và hợp tác trong lĩnh vực nuôi con nuôi quốc tế trên địa bàn tỉnh Nghệ An
Qua 10 năm thực hiện, Nghệ An đã giải quyết được 1.195, trong đó 1.147 con nuôi trong nước và 48 con nuôi có yếu tố nước ngoài. Trong 1.147 con nuôi trong nước có 973 trẻ em bình thường, 14 trẻ em có nhu cầu đặc biệt, 817 trẻ em trong cơ sở nuôi dưỡng và 263 trẻ em sống trong gia đình. Trong số 48 trẻ em cho nhận con nuôi nước ngoài có 41 trẻ em bình thường, 7 trẻ em có nhu cầu đặc biệt, 13 trẻ em trong cơ sở nuôi dưỡng và 35 trẻ em sống trong gia đình (SL theo Báo cáo tổng kết 10 năm thi hành Luật Nuôi con nuôi trên địa bàn tỉnh Nghệ An).

Thực hiện Luật Nuôi con nuôi và Công ước La-Hay về bảo vệ trẻ em và hợp tác trong lĩnh vực nuôi con nuôi quốc tế

trên địa bàn tỉnh Nghệ An

Ngày 17/6/2010, tại kỳ họp thứ 7, Khoá XII, Luật Nuôi con nuôi đã được Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam thông qua và có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2011. Việc ban hành Luật nuôi con nuôi còn tạo cơ sở pháp lý để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của các cặp vợ chồng hiếm muộn trong và ngoài nước muốn nhận con nuôi; bảo vệ quyền và lợi ích của cha mẹ nuôi, giúp họ ổn định tư tưởng và yên tâm trong việc nuôi dưỡng, chăm sóc con nuôi như con đẻ. Ngày 01/02/2012, Việt Nam chính thức trở thành thành viên công ước La Hay số 33 về Bảo vệ trẻ em và hợp tác trong lĩnh vực con nuôi quốc tế. Sau 10 năm thực hiện Luật Nuôi con nuôi và Công ước La Hay, công tác nuôi con nuôi đã đạt được những kết quả nhất định như: thể chế pháp luật về nuôi con nuôi cơ bản đã được hoàn thiện và phù hợp với các chuẩn mực quốc tế; nhiều trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt đã tìm được gia đình thay thế ở trong nước  và nước ngoài; công tác nuôi con nuôi đã đi vào nề nếp; quyết định cho trẻ em Việt nam làm con nuôi nước ngoài được đương nhiên công nhận ở các nước thành viên Công ước La Hay.

Từ khi Luật nuôi con nuôi có hiệu lực đến nay, trên toàn quốc đã giải quyết được 26.623 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt làm con nuôi trong nước, chiếm tỷ lệ 87,2%; giải quyết được 3.896 trẻ em làm con nuôi nước ngoài theo quy định của Luật Nuôi con nuôi và 542 trường hợp giải quyết trong năm 2011 theo quy định của Nghị định 68/2002/NĐ-CP ngày 10/7/2002 của Chính Phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài (trước khi Luật Nuôi con nuôi được ban hành). So với tổng số giải quyết nuôi con nuôi, thì giải quyết cho con nuôi có yêu tố nước ngoài chỉ chiếm hơn 12%. Trong đó có 2.811 trẻ em sống tại cơ sở nuôi dưỡng; 1.085 trẻ em sống tại gia đình, trong đó 1.071 trẻ em thuộc diện là con riêng, cháu ruột của người được nhân con nuôi (số liệu theo BC tổng kết 10 năm thi hành Luật Nuôi con nuôi của Bộ Tư pháp).

Ở Nghệ An, ngay sau khi Luật nuôi con nuôi có hiệu lực thi hành, Sở Tư pháp đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành Kế hoạch, văn bản hướng dẫn triển khai thực hiện trên địa bàn toàn tỉnh. Trên cơ sở đó, 21/21 UBND huyện, thành phố, thị xã đều ban hành Kế hoạch tổ chức thực hiện. Ngày 01/02/2012 Công ước La Hay số 33 về bảo vệ trẻ em và hợp tác trong lĩnh vực nuôi con nuôi quốc tế (sau đây gọi là Công ước La hay) có hiệu lực thi hành tại Việt Nam. Để kịp thời triển khai thực hiện Quyết định số 1233/QĐ-TTg ngày 07/9/2012 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án triển khai thực hiện Công ước La Hay số 33 về bảo vệ trẻ em và hợp tác trong lĩnh vực nuôi con nuôi quốc tế giai đoạn 2012-2015 Quyết định số 1985/QĐ-BTP ngày 13/7/2012 của Bộ Tư pháp về việc ban hành Kế hoạch triển khai đăng ký việc nuôi con nuôi thực tế theo quy định của Luật Nuôi con nuôi , Ủy ban nhân dân tỉnh Nghệ An đã ban hành Kế hoạch triển khai Công ước Lahay; Kế hoạch số 742/KH-UBND ngày 25/12/2012 về việc triển khai đăng ký nuôi con nuôi thực tế. Ngày 23/3/2018, Ủy ban nhân dân tỉnhQuyết định số 1012/QĐ-UBND ban hành Quy chế phối hợp liên ngành giải quyết việc nuôi con nuôi có yếu tố nước ngoài trên địa bàn tỉnh Nghệ An để phối hợp giải quyết nuôi con nuôi có yếu tố nước ngoài đối với trẻ em ở cơ sở nuôi dưỡng đảm bảo đúng trình tự thủ tục theo quy định, bảo đảm quyền và lợi ích của trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt cần tìm gia đình thay thế.

Thực hiện Chỉ thị số 03/CT-TTg ngày 19/01/2018 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường giải quyết việc nuôi con nuôi trong tình hình mới, Sở Tư pháp đã tham mưu UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 173/KH-UBND ngày 23/3/2018 về triển khai thực hiện Chỉ thị số 03/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 19/01/2018 về tăng cường công tác giải quyết việc nuôi con nuôi trong tình hình mới trên địa bàn tỉnh Nghệ An.

Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo Sở Tư pháp phối hợp với Sở Lao động - Thương binh Xã hội, Ủy ban nhân dân cấp huyện hướng dẫn các cơ sở nuôi dưỡng thực hiện đúng trình tự, thủ tục tiếp nhận và giải quyết việc nuôi con nuôi đối với trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn nhằm ngăn ngừa, phát hiện những hành vi vi phạm pháp luật; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, quản lý chặt chẽ việc tiếp nhận và sử dụng các khoản hỗ trợ liên quan đến việc nuôi con nuôi bảo đảm công khai, minh bạch và đúng pháp luật.

Công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về Công ước La Hay số 33, Luật nuôi con nuôi, Nghị định số 19/2011/NĐ-CP, Nghị định số 24/2019/NĐ-CP được triển khai kịp thời. Ngay sau khi được ban hành tỉnh Nghệ An đã tổ chức tập huấn cho các đối tượng thuộc các Sở, ban, ngành liên quan, UBND cấp huyện, thành phố, thị xã và lãnh đạo cán bộ Tư pháp hộ tịch cấp xã. Các văn bản pháp luật về nuôi con nuôi được tuyên truyền phổ biến rộng rãi đến tận người dân bằng nhiều hình thức như: Tổ chức nhiều hội nghị tập huấn, phát hành số tập san chuyên đề về Nuôi con nuôi trên tập san Pháp luật và đời sống của Hội đồng phối hợp công tác phổ biến và giáo dục pháp luật tỉnh;  trả lời phỏng vấn trên truyền hình; Đài phát thanh, loa truyền thanh, tờ rơi…

Hàng năm, Sở Tư pháp cũng phối hợp với Sở Nội vụ mở các lớp tập huấn bồi dưỡng nghiệp vụ nuôi con nuôi, triển khai các văn bản như Thông tư 12/2011/TT-BTP ngày 27/6/2011 của Bộ Tư pháp về ban hành và hướng dẫn việc ghi chép, lưu trữ, sử dụng biểu mẫu nuôi con nuôi,  Thông tư số 24/2014/TT-BTP ngày 29/12/2014 của Bộ Tư pháp sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 12/2011/TT-BTP ngày 27 tháng 6 năm 2011 của Bộ Tư pháp về việc ban hành và hướng dẫn việc ghi chép, lưu trữ, sử dụng biểu mẫu nuôi con nuôi cho công chức tư pháp - hộ tịch ở cơ sở, Thông tư 10/2020/TT-BTP. Qua việc hàng năm thường xuyên mở lớp tập huấn nghiệp vụ cho công chức tư pháp - hộ tịch cơ sở, đã từng bước nâng cao chất lượng nuôi con nuôi trên địa bàn, hạn chế các thiếu sót. Ngoài ra, Sở Tư pháp cũng đã kịp thời giải đáp các vướng mắc về công tác đăng ký nuôi con nuôi cho công chức tư pháp cơ sở cũng như cho công dân.

Ở cơ sở, UBND cấp huyện đã chỉ đạo Hội đồng phối hợp phổ biến giáo dục pháp luật và phòng Tư pháp phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể tăng cường tổ chức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật thông qua các cuộc hội nghị tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật tại cơ sở và trên hệ thống đài truyền thanh nhằm giúp cho người dân hiểu thêm về những quy định của Luật Nuôi con nuôi, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của người dân trong việc cho, nhận con nuôi, cũng như cán bộ, công chức tại các cơ quan có thẩm quyền giải quyết việc nuôi con nuôi theo quy định của pháp luật. Trong tuyên truyền đã chú trọng đảm bảo cho người dân hiểu được ý nghĩa, mục đích của việc đăng ký nuôi con nuôi, trách nhiệm của người cho, nhận con nuôi, quyền lợi và nghĩa vụ người nhận nuôi và người được nhận làm con nuôi được pháp luật bảo về khi đăng ký tại các cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Đồng thời phát huy hiệu quả mô hình lồng ghép tuyên truyền pháp luật thông qua hoạt động tiếp công dân, hoạt động trợ giúp pháp lý, tư vấn pháp luật, các cuộc họp dân ở cụm dân cư, thôn, xóm; hoạt động hòa giải ở cơ sở.

Ngoài ra, các đơn vị cơ sở luôn tăng cường tổ chức các cuộc tập huấn bồi dưỡng, nâng cao nghiệp vụ và kịp thời ban hành các công văn hướng dẫn nghiệp vụ giải quyết việc đăng ký nuôi con nuôi theo quy định của pháp luật cho cán bộ, công chức tư pháp trên địa bàn. Qua đó nhằm nâng cao năng lực cho các cán bộ, công chức tư pháp trong giải quyết việc nuôi con nuôi theo đúng quy định của pháp luật, hạn chế để xảy ra các trường hợp sai sót.

Pháp luật về nuôi con nuôi thời gian qua đã tạo cơ sở quan trọng trong việc giải quyết việc cho, nhận nuôi con nuôi. Để thực hiện tốt công tác nuôi con nuôi trong nước, Sở Tư pháp đã tăng cường chỉ đạo, kiểm tra về cho, nhận con nuôi ở cơ sở. Việc kiểm tra công tác nuôi con nuôi được lồng ghép với công tác kiểm tra đăng ký và quản lý hộ tịch, chứng thực hàng năm. Với sự kiểm tra chặt chẽ đối với hồ sơ đăng ký cho nhận con nuôi cho thấy công tác này đã dần dần tạo ra sự minh bạch hơn về nguồn gốc của trẻ em, góp phần hạn chế một cách đáng kể các hành vi làm sai lệch hồ sơ về nguồn gốc của trẻ em, bảo vệ tốt hơn quyền của trẻ em. Các thông tin về trẻ em được theo dõi, quản lý khá thống nhất trên địa bàn tỉnh.Thông qua việc kiểm tra hằng năm nên việc giải quyết con nuôi đã từng bước đi vào nề nếp; những sai sót được kịp thời uốn nắn; những khó khăn, bất cập cũng được giải đáp kịp thời để có hướng tháo gỡ.

Qua 10 năm thực hiện, Nghệ An đã giải quyết được 1.195, trong đó 1.147 con nuôi trong nước và 48 con nuôi có yếu tố nước ngoài. Trong 1.147 con nuôi trong nước có 973 trẻ em bình thường, 14 trẻ em có nhu cầu đặc biệt, 817 trẻ em trong cơ sở nuôi dưỡng và 263 trẻ em sống trong gia đình. Trong số 48 trẻ em cho nhận con nuôi nước ngoài có 41 trẻ em bình thường, 7 trẻ em có nhu cầu đặc biệt, 13 trẻ em trong cơ sở nuôi dưỡng và 35 trẻ em sống trong gia đình (SL theo Báo cáo tổng kết 10 năm thi hành Luật Nuôi con nuôi trên địa bàn tỉnh Nghệ An).

Ưu tiên nuôi con nuôi trong nước là một trong những nguyên tắc được quy định theo Luật Nuôi con nuôi và Công ước La Hay. Trong thời gian qua, để thực hiện nguyên tắc này các cơ quan có thẩm quyền ở địa phương trong phạm vi trách nhiệm của mình đã thực hiện việc tìm gia đình thay thế trong nước cho trê em ở cơ sở nuôi dưỡng trước khi giải quyết cho nhận con nuôi nước ngoài. Từ khi có Luật Nuôi con nuôi, công tác xác nhận trẻ em đủ điều kiện làm con nuôi nước ngoài được thực hiện tốt, tuân thủ đúng quy định của pháp luật. Đây là giai đoạn nổi bật trong giai đoạn 10 năm thực thi Luật Nuôi con nuôi, là khâu mấu chốt, tạo tiền đề thuận lợi cho việc giải quyết các thủ tục tiếp theo trong quá trình cho nhận con nuôi nước ngoài.

Thủ tục xác nhận trẻ em đủ điều kiện nuôi con nuôi có yếu tố nước ngoài đã đảm bảo điều kiện pháp lý cho tất cả các trường hợp trẻ em cần tìm gia đình thay thế ở cơ sở nuôi dưỡng hoặc ở gia đình nếu thuộc diện là con rieneng cháu ruột của người nhận con nuôi; đảm bảo trẻ em được giải quyết cho làm con nuôi nước ngoài đúng đối tượng, độ tuổi và diện giải quyết. Để xác nhận trẻ em đủ điều kiện cho nhận con nuôi nước ngoài, tất cả các trường hợp trẻ em bị bỏ rơi đều phải qua Công an tỉnh xác nhận nguồn gốc, có kết luận xác minh bằng văn bản. Quá trình xác minh nguồn gốc của trẻ bị bỏ rơi đã tăng cơ hội đoàn tụ gia đình gốc cho trẻ em. Đối với trẻ em xác định được cha mẹ đẻ, Sở Tư pháp tiến hành lấy ý kiến của cha mẹ đẻ, người giám hộ, trẻ em từ 9 tuổi trở lên và giám đốc cơ sỡ nuôi dưỡng thể hiện ý chí đồng ý cho trê em làm con nuôi.

Cho đến nay, việc xác nhận việc xác nhận trẻ em đủ điều kiện là con nuôi  nước ngoài trên địa bàn tỉnh về cơ bản tuân thủ đúng thời hạn theo quy định của pháp luật, góp phần tạo điều kiện cho nhiều trẻ em khuyết tật, trẻ em mắc bệnh hiểm nghèo sớm tìm được gia đình thay thế phù hợp, được chữa bệnh kịp thời và được chăm sóc trong môi trường gia đình. Có được điều này là do các cơ quan, ban ngành có liên quan đã nhận thức được trách nhiệm của mình trong việc bảo vệ quyền lợi của trẻ em có nhu cầu chăm sóc đặc biệt. Việc giải quyết nuôi con nuôi nước ngoài ở Nghệ An chưa có sơ suất nào về mặt pháp lý. Các quyết định nuôi con nuôi có yếu tố nước ngoài được UBND tỉnh Nghệ An ký đều được phía nước ngoài công nhận.

Với mục đích giải quyết nuôi con nuôi  được thực hiện vì lợi ích tốt nhất của trẻ em, đảm bảo ngăn ngừa lợi ích bất chính từ việc nuôi con nuôi và ngăn chặn các vụ việc trái với những mục tiêu của Công ước La Hay, các cơ quan có thẩm quyền từ Trung ương đến địa phương cần nâng cao trách nhiệm trong việc thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật và tăng cường hợp tác quốc tế trong lĩnh vực này. Theo dõi quá trình phát triển của con nuôi cũng là một nhiệm vụ quan trọng nhằm bảo vệ lợi ích tốt nhất của trẻ em Việt nam khi đã được cho nhận con nuôi nước ngoài. Đến thời điểm hiện tại Việt nam có quan hệ hợp tác với 14 nước thành viên Công ước trên cơ sở 5 điều ước và 10 thỏa thuận quốc tế trong lĩnh vực nuôi con nuôi. Hoạt động hợp tác trong khuôn khổ Công ước đã giúp Việt Nam nói chung và tỉnh nhà nói riêng thiết lập các mối quan hệ tốt đẹp và tạo dựng được niềm tin của các Nước cũng như nhận được sự đánh giá cao của một số nước gốc trong khu vực và khẳng định được vai trò là một thành viên tích cực, có trách nhiệm./.

Nguyễn Thu Thuỷ - Phòng Hành chính Tư pháp - Sở Tư pháp

 

 

Tin liên quan
 
1234

CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ SỞ TƯ PHÁP TỈNH NGHỆ AN

Trưởng ban biên tập: Ông Nguyễn Công Hoan - Phó Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Nghệ An

Điện thoại: 038.3 842 283/ Email: tp@nghean.gov.vn

Địa chỉ: số 56 Nguyễn Thị Minh Khai - Hưng Bình - TP.  Vinh tỉnh Nghệ An

® Ghi rõ nguồn Cổng TTĐT Sở Tư pháp tỉnh Nghệ An (hoặc tuphap.nghean.gov.vn) khi trích dẫn tin từ địa chỉ này.