Quanh việc thí điểm cấp phiếu lý lịch tư pháp ở cấp huyện tại Nghệ An
Nghệ An là 1 trong 3 tỉnh, thành của cả nước được Bộ Tư pháp đề xuất thực hiện thí điểm cấp phiếu lý lịch tư pháp cho một số phòng tư pháp thuộc UBND cấp huyện. Đây là một chủ trương vì lợi ích của người lao động, tuy nhiên, còn đó những trăn trở đặt ra từ thực tiễn...
Đáp ứng nhu cầu bức thiết của người lao động
Tại
Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh, không khí làm việc của các bộ phận luôn
khẩn trương, gấp gáp. Trong dòng người hối hả đó, chị Nguyễn Thị Tiến (huyện
Yên Thành) cũng đang lấy phiếu chờ đợi để làm thủ tục xin cấp phiếu lý lịch tư
pháp.
Nghệ An là 1 trong 3 địa phương có số
lượng yêu cầu cấp phiếu lý lịch tư pháp lớn nhất cả nước. Ảnh: Thanh Quỳnh
Chị cho
biết, bản thân đang có nguyện vọng xin vào làm việc ở một doanh nghiệp tại Hà
Nội, tại doanh nghiệp này, việc nộp phiếu lý lịch tư pháp là điều bắt buộc.
Thậm chí, tại một số doanh nghiệp khác trên địa bàn Thành phố Hà Nội, sau khi
công nhân được nhận vào làm 6 tháng, họ vẫn yêu cầu nộp phiếu lý lịch tư pháp
mới. Cho dù trong 6 tháng đó công nhân vẫn làm việc bình thường, không hề vi
phạm pháp luật. Còn em trai chị đang chuẩn bị đi xuất khẩu lao động sang Hàn
Quốc thì thủ tục này càng không thể thiếu.
Có thể
thấy, đối với người lao động, đặc biệt là người lao động làm ăn xa, việc cấp
phiếu lý lịch tư pháp là một thủ tục hết sức cần thiết. Theo thống kê, Nghệ An
là 1 trong 3 địa phương có số lượng yêu cầu cấp phiếu lý lịch tư pháp lớn nhất
cả nước, chỉ sau Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh.
Người
dân làm thủ tục tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh. Ảnh: Thanh Quỳnh
Tính
riêng trong năm 2023, tại Nghệ An, người dân đã nộp 80.215 hồ sơ xin cấp phiếu
lý lịch tư pháp. Trong đó, phần lớn là xin cấp để bổ sung vào hồ sơ tuyển dụng
cán bộ, công chức, viên chức, hồ sơ xin việc, nhiều nhất là hồ sơ đi xuất khẩu
lao động. Có thời điểm, số lượng hồ sơ nhiều dẫn đến tình trạng đến sớm chờ
đợi, quá tải, gây ảnh hưởng đến lợi ích của người lao động.
Đối với
Nghệ An, việc tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả cấp phiếu lý lịch tư pháp được
thực hiện tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh từ tháng 10/2020. Người
dân, cơ quan, tổ chức trên địa bàn Nghệ An nộp hồ sơ yêu cầu cấp phiếu lý lịch
tư pháp có thể lựa chọn nộp hồ sơ trực tiếp, nộp qua đường bưu chính công ích
hoặc nộp hồ sơ qua Cổng dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 của tỉnh.
Người dân làm thủ tục tại Trung tâm Phục vụ hành chính công
tỉnh.
Tuy
nhiên, phần lớn người dân vẫn lựa chọn đến trực tiếp nộp hồ sơ nên nhiều thời
điểm quá tải. Vì thế, Bộ Tư pháp cho rằng, việc thí điểm phân cấp cho đơn vị
hành chính cấp huyện là hết sức cần thiết trong giai đoạn hiện nay, nhằm góp
phần giảm áp lực trực tiếp cho Sở Tư pháp. Đồng thời, tạo thuận lợi hơn cho
người dân khi có thể đến phòng tư pháp cấp huyện thực hiện thủ tục cấp phiếu lý
lịch tư pháp, tăng tính chủ động của đơn vị hành chính cấp huyện trong giải
quyết thủ tục hành chính.
Bộ Tư
pháp đề xuất thời gian thực hiện thí điểm đối với chính sách này là 2 năm, là
khoảng thời gian đủ để các địa phương chuẩn bị các nguồn lực tổ chức triển khai
thực hiện, đồng thời, cũng đủ thời gian cho công tác sơ kết, tổng kết trước khi
đề xuất sửa đổi quy định của luật để áp dụng trên phạm vi cả nước.
Còn đó
những khó khăn, trăn trở
Đại
diện Sở Tư pháp Nghệ An cho biết, tỉnh sẽ tiến hành thí điểm phân quyền thực
hiện cấp phiếu lý lịch tư pháp tại 3 huyện: Diễn Châu, Nam Đàn, Quế Phong. Việc
thí điểm phân cấp việc cấp phiếu lý lịch tư pháp cho một số phòng tư pháp thuộc
UBND cấp huyện vừa có thuận lợi, vừa có khó khăn.
Nếu như
việc cấp phiếu lý lịch tư pháp được triển khai tại huyện thì có thể giảm được
thời gian, chi phí đi lại cho tổ chức, cá nhân khi có nhu cầu. Mặt khác, khi
phân quyền cho phòng tư pháp huyện thực hiện cấp phiếu lý lịch tư pháp thì số
lượng hồ sơ được chia ra cho các đơn vị sẽ tránh được sự ùn tắc và giảm áp lực
cho công chức khi tiếp nhận hồ sơ tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh.
Nghệ An là địa phương có đông đảo lực lượng công nhân, người
lao động làm việc tại các doanh nghiệp trên địa bàn. Ảnh tư liệu Thanh Quỳnh
Đồng
thời, đội ngũ công chức phòng tư pháp huyện đều có trình độ công nghệ thông tin
đáp ứng yêu cầu công việc; sử dụng thành thạo các phần mềm chuyên ngành như
phần mềm quản lý hộ tịch, phần mềm thống kê… Tất cả các thủ tục hành chính đều
được giải quyết trên Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của tỉnh
và trên các hệ thống, phần mềm chuyên môn của ngành.
Tuy nhiên,
sau khi Sở Tư pháp tiến hành khảo sát tại địa phương cho thấy một số bất cập:
Thứ nhất, về nhân sự qua khảo sát tại 21 phòng tư pháp trên địa bàn tỉnh, thì
tổng số công chức hiện có là 71 công chức. Trong đó, có những đơn vị chỉ có 3
công chức hoặc 2 công chức tư pháp. Trong điều kiện tinh giản biên chế như hiện
nay, việc bổ sung thêm nhân lực là hầu như không thể thực hiện. Trong khi đó,
nếu thêm việc mà không thêm người thì rất khó để tiến hành công việc theo yêu
cầu đặt ra.
Cán bộ tư pháp giải đáp thắc mắc cho
người dân khi làm thủ tục tại địa bàn thành phố Vinh.
Ảnh tư liệu Đặng Cường
Thứ
hai, về trang thiết bị cơ sở vật chất, hiện có 5 đơn vị thiếu máy tính, 6 đơn
vị thiếu máy in, 13 đơn vị chưa có máy Scan. Đi cùng với thiết bị, cần phải có
phần mềm hệ thống của ngành đáp ứng được nhu cầu của công việc.
Trước
những khó khăn đó, giải pháp đặt ra lúc này là cần thiết phải xây dựng quy
trình cấp phiếu lý lịch tư pháp tại UBND cấp huyện một cách khoa học, chặt chẽ.
Quan trọng hơn, cần sớm hoàn thiện việc tích hợp hệ thống giải quyết thủ tục
hành chính của tỉnh với hệ thống quản lý lý lịch tư pháp dùng chung, sớm đưa
vào sử dụng hiệu quả trên thực tế. Đồng thời, nâng cấp Hệ thống quản lý lý lịch
tư pháp để khắc phục tình trạng chậm kết nối, mất kết nối; Phân quyền và cấp
tài khoản của Hệ thống quản lý lý lịch tư pháp dùng chung và Hệ thống quản lý
lý lịch tư pháp cho phòng tư pháp, UBND cấp huyện.
Đại
diện Phòng Hành chính tư pháp - Sở Tư pháp Nghệ An cũng cho rằng, việc khuyến
khích người dân thực hiện thủ tục này qua hình thức trực tuyến cần được thúc
đẩy mạnh mẽ hơn nữa để giảm tải các hoạt động hành chính trực tiếp, gây mất
thời gian, công sức của cả người dân và cán bộ tư pháp. Cùng với đó, yếu tố cốt
lõi là làm sao nâng cấp hệ thống phần mềm Quản lý lý lịch tư pháp để đáp ứng
với nhu cầu ngày càng tăng của xã hội. Chỉ khi đó, việc cấp phiếu lý lịch tư
pháp cho người dân nói chung, lực lượng công nhân, người lao động nói riêng mới
thực sự hiệu quả.