TIN MỚI
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
TIẾN ĐỘ GIẢI QUYẾT HỒ SƠ

image advertisementimage advertisement
image advertisement
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Những kết quả nổi bật về phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Nghệ An năm 2022 và một số định hướng năm 2023
Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) năm 2022 ước tăng 9,08%. Trong đó, khu vực nông, lâm, thủy sản ước tăng 4,78%; công nghiệp - xây dựng ước tăng 10,96%; dịch vụ ước tăng 10,77%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm ước tăng 2,13%. 

Năm 2022, tình hình kinh tế - xã hội của cả nước nói chung và tỉnh Nghệ An nói riêng gặp nhiều khó khăn do hậu quả của dịch bệnh, thiên tai, nhất là giá nguyên vật liệu, các yếu tố đầu vào biến động mạnh, bên cạnh đó, tình hình thế giới diễn biến phức tạp, khó lường, đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu… ảnh hưởng nặng nề cho sản xuất kinh doanh và đời sống nhân dân. Mặc dù vậy, với sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt của cấp ủy, chính quyền, sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị, sự đồng lòng ủng hộ và nỗ lực của các tầng lớp nhân dân, tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh Nghệ An năm 2022 đã đạt được những kết quả tích cực, toàn diện trên nhiều ngành, lĩnh vực, thể hiện qua một số nội dung sau: 

Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) năm 2022 ước tăng 9,08%. Trong đó, khu vực nông, lâm, thủy sản ước tăng 4,78%; công nghiệp - xây dựng ước tăng 10,96%; dịch vụ ước tăng 10,77%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm ước tăng 2,13%. Tổng thu ngân sách nhà nước đạt 21.805 tỷ đồng, vượt 45,2% so với dự toán, tăng 9,1% so với năm 2021. Tổng chi ngân sách địa phương 32.542,8 tỷ đồng, đạt 104,77% dự toán.

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 104.550 tỷ đồng, tăng 36,81%. Tổng kim ngạch xuất khẩu ước đạt 2,49 tỷ USD, tăng 2,55%. Thu hút đầu tư đạt kết quả tích cực, tăng cả về quy mô, số lượng và chất lượng dự án. Tính đến ngày 31/12/2022, tổng số vốn đầu tư cấp mới và tăng thêm đạt 45.764,5 tỷ đồng, tăng 3,74% so với cùng kỳ năm 2021, lần đầu tiên Nghệ An lọt vào nhóm 10 địa phương thu hút đầu tư nước ngoài FDI lớn nhất cả nước (tổng vốn cấp mới và điều chỉnh 961,3 triệu USD).

Sản xuất nông, lâm, thuỷ sản tiếp tục giữ được mức tăng trưởng ổn định, tăng cao so với bình quân cả nước. Chỉ số sản xuất công nghiệp ước tăng 10,34% so với năm 2021. Một số sản phẩm có mức tăng trưởng khá so với cùng kỳ, như: đá xây dựng, xi măng, sữa chế biến, bia các loại, linh kiện điện tử, điện sản xuất… Một số nhà máy đã đi vào hoạt động từ đầu năm và có sản phẩm thương mại ổn định (như xi măng Tân Thắng, may An Hưng, Luxshare ICT Nghệ An...).

Nguồn vốn đầu tư công tập trung tỉnh quản lý đã giải ngân 4.943,617 tỷ đồng, đạt 66,4% tổng kế hoạch. Các công trình trọng điểm trên địa bàn được tập trung chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ, đặc biệt là công tác giải phóng mặt bằng dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam, đường ven biển… được chỉ đạo quyết liệt. Tập trung chỉ đạo thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, thực hiện các quy trình thủ tục để triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội 3 Chương trình mục tiêu quốc gia.

Thành lập mới 2.110 doanh nghiệp, tăng 7,81% so với cùng kỳ năm 2021 với tổng số vốn đăng ký 23.451 tỷ đồng; có 948 doanh nghiệp đăng ký hoạt động trở lại, tăng 144 doanh nghiệp so cùng kỳ 2021.

Xây dựng nông thôn mới tiếp tục được quan tâm chỉ đạo. Trong năm 2022, có 10 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 22 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 4 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; 02 huyện Đô Lương và Diễn Châu đang gấp rút hoàn thiện hồ sơ để trình Trung ương thẩm định huyện đạt chuẩn nông thôn mới. Đến nay, toàn tỉnh có 309/411 xã đạt chuẩn nông thôn mới; 42 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; 06 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; 09 đơn vị cấp huyện hoàn thành nhiệm vụ xây dựng và đạt chuẩn nông thôn mới.

Các lĩnh vực văn hoá - xã hội, an sinh xã hội tiếp tục được quan tâm và có kết quả tích cực. Ngành Y tế đã thực hiện tốt việc kiểm soát tình hình dịch bệnh Covid-19 và sẵn sàng đáp ứng với các diễn biến bất thường của dịch bệnh. Với phương châm “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch Covid-19”, Nghệ An đã thực hiện quyết liệt, đồng bộ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng vắc-xin Covid-19. Công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát các cơ sở sản xuất, chế biến và kinh doanh thực phẩm; thực hiện các quy định của pháp luật về hành nghề y, dược tư nhân; khám chữa bệnh, sản xuất, kinh doanh dược, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng được tăng cường. Công tác quản lý nhà nước về lao động, việc làm, an toàn lao động tiếp tục được quan tâm và thực hiện tốt. Năm 2022, toàn tỉnh giải quyết việc làm cho trên 45.000 người, tăng 11,68% so với năm 2021, trong đó, đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng khoảng 24.500 người, tăng 118,55% so với năm 2021; thực hiện kịp thời, đầy đủ chế độ, chính sách đối với người có công, đối tượng bảo trợ xã hội, người nghèo, người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn. Đặc biệt, ngay sau khi xảy ra lũ quyét ở huyện Kỳ Sơn ngày 02/10/2022, các cấp, các ngành, các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, nhà hảo tâm trong và ngoài tỉnh đã tích cực chung tay giúp người dân bị thiệt hại khắc phục hậu quả, hỗ trợ ổn định cuộc sống và phát triển sản xuất. Tổ chức Chương trình Tết vì người nghèo Xuân Quý Mão 2023 (tính đến ngày 03/01/2023 đã có hơn 131,8 tỷ đồng đăng ký ủng hộ).

Chất lượng giáo dục toàn diện được khẳng định, kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2022, Nghệ An xếp thứ 20 cả nước, tăng 14 bậc so với năm 2021; tiếp tục giữ vững thành tích chất lượng giáo dục mũi nhọn, thuộc tốp 5 địa phương của cả nước về số học sinh giỏi quốc gia, khu vực và quốc tế. Giáo dục nghề nghiệp được nâng lên, đáp ứng yêu cầu phát triển nguồn nhân lực, giải quyết việc làm.

Hoạt động du lịch mở cửa trở lại và đón khách du lịch quốc tế trong điều kiện bình thường mới và tổ chức thành công các hội nghị kích cầu du lịch. Tổng lượt khách du lịch cả năm ước đạt 6,73 triệu lượt, gấp 3,56 lần so với năm 2021. Doanh thu du lịch ước đạt 5.602 tỷ đồng, gấp 5.02 lần so với năm 2021.

Tổ chức thành công nhiều sự kiện lớn như: chuỗi hoạt động kỷ niệm 132 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, 120 năm ngày sinh đồng chí Lê Hồng Phong; 120 năm ngày sinh đồng chí Phan Đăng Lưu, Lễ vinh danh và kỷ niệm 250 năm năm sinh, 200 năm năm mất nữ sĩ Hồ Xuân Hương...Các hoạt động văn hoá, thể thao được quan tâm tổ chức dưới nhiều hình thức đa dạng, sôi nổi, tạo sự  phấn khởi, nâng cao đời sống tinh thần Nhân dân; tổ chức thành công Đại hội Thể dục thể thao cấp huyện và Đại hội Thể dục thể thao toàn tỉnh lần thứ IX, 5 đội bóng đá trẻ vô địch ở các lứa tuổi và đội U17, U19 đạt Huy chương Đồng toàn quốc, Huy chương Vàng môn bóng đá nam tại Đại hội Thể dục thể thao toàn quốc.

Công tác cải cách hành chính, quản lý nhà nước tiếp tục được quan tâm chỉ đạo. Thực hiện quyết liệt công tác chuyển đổi số, triển khai Quyết định số 06/QĐ-TTg ngày 06/01/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030. UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản chấn chỉnh công tác tham mưu, chỉ đạo đẩy mạnh cải cách hành chính trong năm 2022, đề cao trách nhiệm người đứng đầu trong chỉ đạo công tác cải cách hành chính ở cơ quan, đơn vị; tập trung thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm về chuyển đổi số trong các cơ quan nhà nước; đẩy mạnh việc rà soát, cắt giảm thời gian, đơn giản hóa thủ tục hành chính tại các cơ quan, đơn vị. Kết quả, Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) năm 2021 của Nghệ An thuộc nhóm 15 tỉnh, thành phố đạt chỉ số cao nhất cả nước; Chỉ số cải cách hành chính (Par Index) năm 2021 xếp thứ 17/63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (tăng 01 bậc so với năm 2020 và đạt thứ hạng cao nhất từ trước đến nay); chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính (SIPAS) tăng 13 bậc (từ thứ hạng 48/63 lên thứ hạng 35/63).

Quốc phòng, an ninh tiếp tục được giữ vững, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo. Tổ chức thành công diễn tập khu vực phòng thủ, phòng thủ dân sự tỉnh, 05 huyện và diễn tập huy động nhân lực, phương tiện tàu thuyền dân sự theo Nghị định số 30/2010/NĐ-CP và Nghị định số 130/2015/NĐ-CP của Chính phủ; chỉ đạo triển khai tốt công tác phối hợp huy động lực lượng, phương tiện tham gia cứu hộ, cứu nạn và giúp dân khắc phục hậu quả do ảnh hưởng hoàn lưu bão số 4. Công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng chống tham nhũng được thực hiện tốt.

Hoạt động đối ngoại được triển khai chủ động, đồng bộ, hiệu quả, toàn diện; đã đón tiếp và làm việc với nhiều đoàn khách nước ngoài; tiếp tục tăng cường hoạt động hợp tác, kết nối với các nước. Tổ chức nhiều hoạt động nhân kỷ niệm năm đoàn kết Việt Nam – Lào, tổ chức thành công Lễ kỷ niệm 60 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam – Lào và 45 năm ngày ký Hiệp ước hữu nghị và hợp tác Việt Nam – Lào.

Bên cạnh kết quả đã đạt được, tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh trong năm 2022 cũng còn không ít khó khăn, hạn chế như: Hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và đời sống người dân còn gặp nhiều khó khăn; tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công đạt thấp, nhất là nguồn vốn nước ngoài; tiến độ triển khai thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia còn chậm; công tác cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh mặc dù đã được tập trung chỉ đạo quyết liệt và có chuyển biến nhưng chưa đáp ứng yêu cầu để giải quyết những vấn đề đặt ra cho người dân, doanh nghiệp.

Năm 2023 là năm giữa nhiệm kỳ, có ý nghĩa quan trọng trong việc đẩy mạnh thực hiện và phấn đấu hoàn thành các mục tiêu của kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 05 năm (2021-2025) và Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp. Tuy nhiên, dự báo đây là năm có nhiều khó khăn, thách thức; sức ép lạm phát, lãi suất tăng, dịch bệnh, thiên tai, bão lũ diễn biến bất thường, ảnh hưởng đến sản xuất, kinh doanh và đời sống của người dân. Với những thuận lợi, cơ hội và khó khăn, thách thức đan xen, để thực hiện hiệu quả các chỉ tiêu phát triển kinh tế xã hội, tỉnh Nghệ An cần xác định tập trung thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm như sau:

Một là, tiếp tục triển khai quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các chương trình, đề án, kế hoạch thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm giai đoạn 2021-2025. Phối hợp với Ban Chỉ đạo Trung ương tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW của Bộ Chính trị; tham mưu cụ thể hoá để ban hành các cơ chế, chính sách đặc thù cho tỉnh phát triển. Tổ chức công bố và triển khai thực hiện hiệu quả Quy hoạch tỉnh Nghệ An thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Tập trung xây dựng Đề án mở rộng địa giới hành chính và không gian đô thị thành phố Vinh; xây dựng Đề án điều chỉnh mở rộng Khu kinh tế Đông Nam để có thêm dư địa thu hút đầu tư, thực hiện các mục tiêu phát triển của tỉnh.

Hai là, tiếp tục thực hiện đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh. Tập trung thực hiện các giải pháp hỗ trợ, thúc đẩy tăng trưởng các ngành, lĩnh vực gắn với cơ cấu lại nền kinh tế, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh.

Ba là, huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực, bảo đảm có trọng tâm, trọng điểm để đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, nhất là hạ tầng trọng điểm, có tính kết nối, lan toả phát triển. Đặc biệt là tập trung đẩy nhanh thủ tục, triển khai thực hiện 02 dự án hạ tầng chiến lược là Cảng biển nước sâu Cửa Lò và nâng cấp, mở rộng Cảng hàng không quốc tế Vinh. Chủ động triển khai quyết liệt, hiệu quả các giải pháp thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công và tiến độ thực hiện 3 Chương trình mục tiêu quốc gia ngay từ đầu năm.

Bốn là, cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, kinh doanh; tập trung thu hút đầu tư, phát triển doanh nghiệp. Hỗ trợ và giải quyết thủ tục đầu tư; rà soát những khó khăn, vướng mắc của các doanh nghiệp, nhà đầu tư để kịp thời tháo gỡ, giải quyết dứt điểm... Kết nối, phối hợp với các nhà đầu tư hạ tầng để kêu gọi thu hút nhà đầu tư vào tỉnh Nghệ An.

Năm là, thực hiện tốt các nhiệm vụ văn hoá - xã hội, chăm lo đời sống cho người dân, bảo đảm gắn kết hài hòa giữa phát triển kinh tế với xã hội. Thực hiện đồng bộ các biện pháp phòng, chống, kiểm soát dịch bệnh. Quan tâm, thực hiện đầy đủ, kịp thời và có hiệu quả các chính sách đối với người có công với cách mạng, các đối tượng chính sách; thúc đẩy tiến bộ trong phát triển các lĩnh vực văn hóa, xã hội, giáo dục, đào tạo, khoa học, công nghệ, thể dục, thể thao và các vấn đề xã hội khác.

Sáu là, quản lý, khai thác, sử dụng có hiệu quả, bền vững tài nguyên thiên nhiên; bảo vệ môi trường sống; chủ động ứng phó có hiệu quả với biến đổi khí hậu, phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai; khắc phục hậu quả thiên tai. 

Bảy là, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, cải cách hành chính, trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính. Siết chặt kỷ luật, kỷ cương; tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, đồng bộ trong thực hiện cải cách hành chính, thực thi đạo đức công vụ ở các cấp, các ngành. Thúc đẩy mạnh mẽ chuyển đổi số, phát triển kinh tế số và xã hội số.

Tám là, bảo đảm vững chắc quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội. Tăng cường, nâng cao hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; đẩy mạnh công tác phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

Tiếp tục đẩy mạnh thông tin truyền thông, nâng cao hiệu quả công tác dân vận, tạo sự đồng thuận và phát huy sức mạnh của toàn xã hội, phấn đấu hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2023.

Với sự quyết tâm, nỗ lực vào cuộc của cả hệ thống chính trị; sự chỉ đạo, điều hành đúng hướng, quyết liệt, thường xuyên, kịp thời của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh cùng tinh thần đoàn kết, đồng lòng, chung sức của Nhân dân là điều kiện thuận lợi để tỉnh Nghệ An phát triển nhanh, toàn diện và bền vững về tất cả các mặt chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội, tạo động lực phấn đấu hoàn thành các mục tiêu của Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội đã đề ra./.

Lê Hồng Vinh - Uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, Chủ tịch Hội đồng phối hợp PBGDPL tỉnh
Tin liên quan
 
12345678910...

CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ SỞ TƯ PHÁP TỈNH NGHỆ AN

Trưởng ban biên tập: Ông Nguyễn Công Hoan - Phó Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Nghệ An

Điện thoại: 038.3 842 283/ Email: tp@nghean.gov.vn

Địa chỉ: số 56 Nguyễn Thị Minh Khai - Hưng Bình - TP.  Vinh tỉnh Nghệ An

® Ghi rõ nguồn Cổng TTĐT Sở Tư pháp tỉnh Nghệ An (hoặc tuphap.nghean.gov.vn) khi trích dẫn tin từ địa chỉ này.