Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2022 được Quốc hội khóa XV, kỳ họp thứ 3 thông qua ngày 16/6/2022, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2023 thay thế Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2000 (được sửa đổi bổ sung năm 2010).
Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2022 được ban hành đã hoàn thiện quy định của pháp luật về kinh doanh bảo hiểm; xử lý những mâu thuẫn, chồng chéo, bất cập của Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2000 (sửa đổi, bổ sung năm 2010) với các văn bản quy phạm pháp luật khác, đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật. Bên cạnh đó còn nhằm mục tiêu cải cách thủ tục hành chính trong hoạt động kinh doanh bảo hiểm kết hợp với cải cách toàn diện công tác quản lý, kiểm tra, thanh tra chuyên ngành, bảo đảm thực hiện có hiệu quả công tác quản lý nhà nước và phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước trong phát hiện, xử lý kịp thời, nghiêm minh các hành vi vi phạm pháp luật về kinh doanh bảo hiểm; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư, khách hàng, tiết giảm chi phí xã hội.
Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2022 gồm 7 Chương, 157 Điều quy định về tổ chức và hoạt động kinh doanh bảo hiểm; quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân tham gia bảo hiểm; quản lý Nhà nước về hoạt động kinh doanh bảo hiểm...với nhiều nội dung mới bao gồm:
1. Đối tượng áp dụng
Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2000 (sửa đổi, bổ sung năm 2010) không có điều khoản quy định cụ thể về đối tượng áp dụng luật. Nhằm khắc phục hạn chế này, tại Điều 2 Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2022 đã quy định cụ thể 06 nhóm đối tượng áp dụng, bao gồm:
- Doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm, đại lý bảo hiểm, doanh nghiệp môi giới bảo hiểm, tổ chức, cá nhân cung cấp dịch vụ phụ trợ bảo hiểm, tổ chức tương hỗ cung cấp bảo hiểm vi mô.
- Chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài, chi nhánh doanh nghiệp tái bảo hiểm nước ngoài (sau đây gọi là chi nhánh nước ngoài tại Việt Nam).
- Văn phòng đại diện của doanh nghiệp bảo hiểm nước ngoài, doanh nghiệp tái bảo hiểm nước ngoài, doanh nghiệp môi giới bảo hiểm nước ngoài, tập đoàn tài chính, bảo hiểm nước ngoài tại Việt Nam (sau đây gọi là văn phòng đại diện nước ngoài tại Việt Nam).
- Bên mua bảo hiểm, người được bảo hiểm, người thụ hưởng.
- Cơ quan quản lý nhà nước về hoạt động kinh doanh bảo hiểm.
- Tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động kinh doanh bảo hiểm.
Luật cũng đã quy định thêm các khái niệm về: Hoạt động kinh doanh bảo hiểm; nhượng tái bảo hiểm; doanh nghiệp tái bảo hiểm; Chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài; Chi nhánh doanh nghiệp tái bảo hiểm nước ngoài; Doanh nghiệp môi giới bảo hiểm; bảo hiểm vi mô; tổ chức tương hỗ cung cấp bảo hiểm vi mô; đồng bảo hiểm (Điều 4).
2. Các loại hình bảo hiểm
Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2022 đã đưa ra 03 loại hình bảo hiểm bao gồm: Bảo hiểm nhân thọ, bảo hiểm sức khỏe và bảo hiểm phi nhân thọ. Nếu trước đây, Luật Kinh doanh hiểm quy định cụ thể các loại nghiệp vụ bảo hiểm của từng loại hình bảo hiểm thì theo quy định mới đã giao Chính phủ quy định chi tiết các nghiệp vụ bảo hiểm tương ứng với các loại hình bảo hiểm nhằm bảo đảm tính linh hoạt trong quá trình áp dụng luật trong thực tiễn.
Đồng thời, luật cũng quy định rõ “Bảo hiểm bắt buộc là sản phẩm bảo hiểm nhằm mục đích bảo vệ lợi ích công cộng, môi trường và an toàn xã hội.” Theo khoản 2, Điều 8 Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2022, bảo hiểm bắt buộc bao gồm: Bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới; Bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc; Bảo hiểm bắt buộc trong hoạt động đầu tư xây dựng; Bảo hiểm bắt buộc quy định tại luật khác đáp ứng quy định.
Luật cũng đã bổ sung thêm quy định về các hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động kinh doanh bảo hiểm (Điều 9).
3. Hợp đồng bảo hiểm
- Luật Kinh doanh bảo hiểm 2000 (sửa đổi, bổ sung năm 2010) chỉ quy định 03 loại hợp đồng bảo hiểm là: Hợp đồng bảo hiểm con người; hợp đồng bảo hiểm tài sản và hợp đồng bảo hiểm trách nhiệm dân sự. Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2022 quy định cụ thể 05 loại hợp đồng bảo hiểm bao gồm: Hợp đồng bảo hiểm nhân thọ; hợp đồng bảo hiểm sức khỏe; hợp đồng bảo hiểm tài sản; hợp đồng bảo hiểm thiệt hại và hợp đồng bảo hiểm trách nhiệm. Trong đó, hợp đồng bảo hiểm tài sản; hợp đồng bảo hiểm thiệt hại; hợp đồng bảo hiểm trách nhiệm thuộc loại hình bảo hiểm phi nhân thọ.
Luật đã sửa đổi, bổ sung quy định về hủy bỏ hợp đồng bảo hiểm, hợp đồng vô hiệu, đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng; bãi bỏ quy định về thời hiệu khởi kiện, thời điểm phát sinh trách nhiệm của hợp đồng... để đảm bảo thống nhất với Bộ luật dân sự, dễ áp dụng trên thực tế. Luật cũng đã bổ sung các quy định về nguyên tắc giao kết và thực hiện hợp đồng bảo hiểm (Điều 16); nội dung hợp đồng bảo hiểm có quy định rõ đối tượng được bảo hiểm, quyền lợi được bảo hiểm đối với từng loại hợp đồng bảo hiểm (Điều 17); thời gian cân nhắc tham gia bảo hiểm (Điều 35)... để bảo đảm quyền tự thỏa thuận giữa các bên trong giao kết hợp đồng bảo hiểm. Về giải quyết tranh chấp: Bổ sung quy định về hình thức giải quyết tranh chấp thông qua hòa giải, trọng tài hoặc tòa án.
- Luật đã sửa đổi, bổ sung quy định về hủy bỏ hợp đồng bảo hiểm, hợp đồng vô hiệu, đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng, bãi bỏ quy định về thời hiệu khởi kiện, thời điểm phát sinh trách nhiệm của hợp đồng...(Điều 25 đến Điều 31).
4. Doanh nghiệp tái bảo hiểm, Chi nhánh nước ngoài tại Việt Nam
Tại Hiệp định thương mại dịch vụ Việt Nam - EU (EVFTA) được ký kết ngày 30-6-2019, có hiệu lực từ ngày 1-8-2020, Việt Nam đã cho phép doanh nghiệp tái bảo hiểm của EU thành lập chi nhánh tái bảo hiểm tại Việt Nam sau 3 năm kể từ ngày Hiệp định thương mại có hiệu lực. Do đó, để chủ động thực hiện các cam kết quốc tế, Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2022 đã bổ sung quy định về việc thành lập chi nhánh doanh nghiệp tái bảo hiểm nước ngoài tại Việt Nam. Về tỷ lệ sở hữu vốn của nhà đầu tư nước ngoài trong các doanh nghiệp bảo hiểm, theo cam kết của Việt Nam tại WTO và các hiệp định thương mại khác trong lĩnh vực dịch vụ bảo hiểm, Việt Nam không hạn chế về tỷ lệ vốn góp của bên nước ngoài. Do đó, để bảo đảm rõ ràng, Luật đã bổ sung quy định khẳng định nhà đầu tư nước ngoài được sở hữu cổ phần, phần vốn góp đến 100% vốn điều lệ của doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm (Điều 68).
5. An toàn tài chính
Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2022 đã bổ sung thêm quy định về an toàn tài chính trong trường hợp tỷ lệ an toàn vốn ở mức phải áp dụng biện pháp can thiệp, biện pháp cải thiện sớm, biện pháp kiểm soát, quy định trách nhiệm của doanh nghiệp, chủ sở hữu, thành viên góp vốn, hội đồng quản trị, ban kiểm soát; bổ sung yêu cầu công khai thông tin định kỳ, công khai thông tin thường xuyên, công khai thông tin bất thường để đảm bảo thông tin về doanh nghiệp bảo hiểm rõ ràng, minh bạch…(mục 7 Chương III).
Đặc biệt, luật đã dành 1 Chương để quy định về bảo hiểm vi mô nhằm tạo hành lang pháp lý cho việc phát triển bảo hiểm vi mô (Chương V).
6. Quản lý nhà nước về hoạt động kinh doanh bảo hiểm
Để nâng cao yêu cầu quản lý nhà nước, Luật đã bổ sung thêm nhiệm vụ, quyền hạn của Bộ Tài chính trong quản lý, giám sát, thanh tra, xử lý vi phạm pháp luật về hoạt động kinh doanh bảo hiểm; bổ sung quy định Bộ Tài chính phối hợp với các cơ quan quản lý bảo hiểm nước ngoài trong việc quản lý, giám sát, thanh tra, kiểm tra đối với các chi nhánh của doanh nghiệp bảo hiểm nước ngoài tại Việt Nam; thiết lập cơ chế chia sẻ thông tin quản lý, giám sát cùng với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và các bộ, ngành khác có liên quan đến hoạt động kinh doanh bảo hiểm (Điều 151 đến Điều 154).
Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2022 được ban hành với các quy định mới nhằm tăng cường bảo vệ, cân bằng quyền lợi của người tham gia và người kinh doanh bảo hiểm, góp phần tạo điều kiện cho thị trường bảo hiểm phát triển vững chắc./.