TIN MỚI
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
TIẾN ĐỘ GIẢI QUYẾT HỒ SƠ

image advertisementimage advertisement
image advertisement
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
những cách làm mới, làm hay trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật cho đồng bào dân tộc thiểu số huyện Kỳ Sơn
Là huyện biên giới nằm ở phía Tây của tỉnh Nghệ An, cách trung tâm thành phố Vinh gần 250 km, tiếp giáp với 04 huyện thuộc 03 tỉnh của nước Cộng hoà dân chủ nhân dân Lào, với chiều dài đường biên giới 203,209 km, trong năm 2022, huyện Kỳ Sơn tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật (PBGDPL) cho đồng bào các dân tộc thiểu số với nhiều cách làm mới, cách làm hay được vận dụng triển khai thực hiện tạo hiệu ứng tích cực, sức lan toả rộng.

Huyện Kỳ Sơn có 21 đơn vị hành chính cấp xã và 191 khối, bản. Tổng dân số toàn huyện trên 80 nghìn người với 05 hệ dân tộc anh em cùng sinh sống, gồm: Khơ mú, Mông, Thái, Kinh và Hoa. Đồng bào dân tộc thiểu số chiếm tỷ lệ 94,5% dân số (Khơ mú 36,11%, Mông 32,61% và Thái 25,73%). Do yếu tố lịch sử và tập quán sinh hoạt nên đồng bào các dân tộc thiểu số huyện Kỳ Sơn sinh sống chủ yếu ở các địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới; kinh tế phát triển chậm, trình độ dân trí thấp, nhận thức về pháp luật còn nhiều hạn chế. Xác định công tác tuyên truyền, PBGDPL nói chung và PBGDPL cho đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện nói riêng là một trong những nhiệm vụ trọng tâm và trọng điểm, có vai trò hết sức quan trọng, nhất là trong việc góp phần thực hiện hiệu quả mô hình “Ba yên” tại huyện Kỳ Sơn (yên dân, yên địa bàn, yên biên giới). Do vậy, trong thời gian qua, Đảng bộ và chính quyền huyện Kỳ Sơn đã tập trung quán triệt, chỉ đạo, hướng dẫn triển khai thực hiện có hiệu quả công tác PBGDPL trên địa bàn huyện.

Nội dung tuyên truyền, PBGDPL tập trung vào các nội dung gắn với nhu cầu tìm hiểu của đồng bào các dân tộc thiểu số như: Luật Hôn nhân và Gia đình, Luật Bình đẳng giới, Luật Phòng, chống ma túy, Luật Căn cước công dân; Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia; Luật Giao thông đường bộ… các quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân; hệ lụy của tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống…

Trên cơ sở đó, nhiều hình thức PBGDPL được triển khai đa dạng, linh hoạt, phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương. Do địa hình phức tạp, nhiều xã vùng sâu, vùng xa chưa có điện lưới quốc gia, điều kiện kinh tế còn nhiều khó khăn nên người dân ít được tiếp xúc với các thiết bị thông minh để tìm hiểu thông tin pháp luật; ý thức tự tìm hiểu pháp luật của người dân cũng còn rất hạn chế. Chính vì vậy, việc trực tiếp đến tận thôn, bản để phổ biến pháp luật cho đồng bào dân tộc thiểu số đã phát huy nhiều hiệu quả. Tính riêng trong năm 2022, toàn huyện đã tổ chức được 1.209 cuộc PBGDPL trực tiếp (tuyên truyền miệng) với 143.106 lượt người tham gia; in và cấp phát miễn phí 16.488 tờ gấp bằng tiếng phổ thông và tiếng dân tộc (tiếng Mông) với nội dung phòng chống tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống. Cùng với các cuộc phổ biến pháp luật trực tiếp, trong năm 2022, các cơ quan thành viên của Hội đồng phối hợp PBGDPL huyện đã tổ chức 01 phiên tòa giả định với sự tham gia của hơn 1.300 em học sinh khối Trung học phổ thông; 15 phiên tòa xét xử vụ án lưu động về ma túy tại các xã biên giới với 15 vụ án, 18 bị cáo. UBND 21 xã, thị trấn đã tổ chức 91 cuộc truyên truyền lưu động bằng loa kéo đến các khối, bản; treo 95 băng rôn tại trụ sở làm việc và các trục đường giao thông liên xã, liên bản; PBGDPL trên hệ thống loa truyền thanh cơ sở và khối, bản 420 lượt với tổng thời lượng là 15.610 phút. Ngoài ra, các tổ hòa giải ở cơ sở đã lồng ghép thực hiện PBGDPL cho 550 lượt người dân tại các khối, bản trên địa bàn huyện về các quy định pháp luật liên quan.

Trong năm 2022, UBND huyện Kỳ Sơn đã triển khai thực hiện những cách làm mới, cách làm hay để tuyên truyền PBGDPL phù hợp với điều kiện và tình hình thực tế của địa phương. Qua đó, nhận được sự hưởng ứng tích cực của các Cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương và bà con Nhân dân huyện nhà.

Cách làm hay và hiệu quả trước hết có thể kể đến đó là “Đi từng ngõ, gõ cửa từng nhà để tuyên truyền PBGDPL và kết hợp phát tờ gấp pháp luật”. Thời điểm đầu năm 2022, tình hình dịch bệnh COVID – 19 bùng phát, lây lan trên địa bàn huyện và có diễn biến phức tạp. Số lượng lao động từ các tỉnh về quê để tránh dịch nhiều với hơn 7.000 người. Trước tình hình đó, nhằm kịp thời cập nhật và cung cấp thông tin pháp luật cho người dân đồng bào các dân tộc thiểu số tại các địa bàn vùng sâu, vùng xa và khu vực biên giới, góp phần giảm thiểu và ngăn ngừa các hành vi vi phạm pháp luật, nhất là về trật tự an toàn xã hội, khai thác lâm sản trái phép… UBND huyện đã tổ chức 14 đợt, đến hơn 2.000 hộ dân để tuyên truyền, phổ biến về các quy định của pháp luật và công tác phòng, chống dịch bệnh, đồng thời cấp phát miễn phí trên 5.500 tờ gấp pháp luật cho người dân làm tư liệu nghiên cứu, tìm hiểu và học tập pháp luật tại nhà.

Ngoài ra, một trong những cách làm mới được triển khai thực hiện trên địa bàn huyện là tổ chức truyền thông PBGDPL và ký cam kết “Không vi phạm tảo hôn theo quy định của pháp luật về hôn nhân gia đình” để giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện Kỳ Sơn. Đối tượng tập trung tuyên truyền là người dân tại các bản và học sinh đang học tại các trường Trung học phổ thông (THPT), Trung học cơ sở (THCS), Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường (GDNN-GDTX). Đồng thời, chủ trì tham mưu phối hợp tổ chức chỉ đạo điểm tại 01 bản/xã và tại 03 điểm trường học. Kết thúc chỉ đạo điểm, đã tổ chức 20 đợt truyền thông tuyên truyền PBGDPL và tổ chức cho gần 3.000 hộ dân tham gia ký cam kết “Không tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống” trên tinh thần tự nguyện. Tổ chức thành công chỉ đạo điểm tại 03 điểm trường THCS Dân tộc bán trú (DTBT) Nậm Cắn, trường Phổ thông cơ sở (PTCS) Dân tộc nội trú (DTNT) Kỳ Sơn, trường PTCS DTBT Nậm Típ với trên 900 em học sinh tham gia và ký cam kết với nhà trường. Cách làm trên đã có sức lan toả lớn trên toàn huyện. Tính đến hết tháng 12/2022, đã có 20/20 xã với tổng số trên 10.500 hộ dân tham gia ký cam kết với UBND xã “Không tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống”; 100% các điểm trường PT DTBT, THCS và THPT trên địa bàn huyện đã tổ chức hoặc lồng ghép trong các buổi chào cờ đầu tuần, sinh hoạt ngoài giờ lên lớp… tổ chức cho học sinh ký cam kết, với gần 10.000 em học sinh tham gia ký cam kết “không tảo hôn”. Nhiều đơn vị cấp xã đã xây dựng và tổ chức ra mắt Câu lạc bộ “Phòng, chống tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống”, “Bản làng không tảo hôn” tại địa phương, đơn vị.

Song song với đó, Diễn đàn “Công an lắng nghe ý kiến của Nhân dân” cũng đã được triển khai thực hiện diện rộng trên địa bàn huyện với mục đích kịp thời lắng nghe ý kiến, nắm bắt tâm tư nguyện vọng của Nhân dân về công tác đảm bảo trật tự an toàn xã hội và tranh thủ ý kiến góp ý của Nhân dân trong việc xây dựng lực lượng công an cấp huyện, cấp xã. Qua đó, kịp thời cung cấp, phổ biến thông tin pháp luật đến các tầng lớp Nhân dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số tại các địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới...Trong năm 2022, lực lượng công an toàn huyện đã tổ chức 34 diễn đàn “Lắng nghe ý kiến của Nhân dân”, nội dung triển khai nhận được sự hưởng ứng tích cực của bà con Nhân dân đồng bào các dân tộc thiểu số tại địa phương, đơn vị. Qua các đợt tổ chức diễn đàn, lực lượng công an các cấp đã tổ chức cho trên 14.000 hộ dân tham gia ký cam kết “không vi phạm pháp luật và các tệ nạn xã hội”.

Không những thế, thời gian qua, các địa phương cũng đã phát huy tốt vai trò của Già làng, người có uy tín ở vùng đồng bào các dân tộc thiểu số trong giáo dục con cháu, đồng bào chấp hành pháp luật, không nghe theo lời xúi dục, lôi kéo của kẻ xấu nhằm phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc; tích cực tăng gia phát triển kinh tế gia đình, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc; bài trừ mê tín dị đoan, tà đạo... giúp giữ yên bản làng, yên biên giới.

Nhìn chung, việc triển khai công tác tuyên truyền, PBGDPL cho đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện Kỳ Sơn đã được các ngành, địa phương, đơn vị quan tâm triển khai thực hiện tương đối kịp thời. Bằng các cách làm sáng tạo, đa dạng hoá các hình thức PBGDPL, nội dung tuyên truyền sát với thực tế đã góp phần quan trọng trong việc nâng cao hiểu biết và nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của người dân đồng bào các dân tộc thiểu số, góp phần ổn định tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của huyện nhà./.

Moong Văn Vũ - Phòng Tư pháp huyện Kỳ Sơn
Tin liên quan
 
12

CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ SỞ TƯ PHÁP TỈNH NGHỆ AN

Trưởng ban biên tập: Ông Nguyễn Công Hoan - Phó Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Nghệ An

Điện thoại: 038.3 842 283/ Email: tp@nghean.gov.vn

Địa chỉ: số 56 Nguyễn Thị Minh Khai - Hưng Bình - TP.  Vinh tỉnh Nghệ An

® Ghi rõ nguồn Cổng TTĐT Sở Tư pháp tỉnh Nghệ An (hoặc tuphap.nghean.gov.vn) khi trích dẫn tin từ địa chỉ này.