TIN MỚI
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
TIẾN ĐỘ GIẢI QUYẾT HỒ SƠ

image advertisementimage advertisement
image advertisement
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam trong Hiến pháp luật 2013
Đảng Cộng sản Việt Nam do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập và rèn luyện là lực lượng duy nhất tổ chức vận động, lãnh đạo, đồng thời là người đi tiên phong trong sự nghiệp cách mạng đấu tranh giành độc lập dân tộc. Cách mạng tháng Tám thành công, ngày 2 tháng 9 năm 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, nay là Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Đảng Cộng sản Việt Nam do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập và rèn luyện là lực lượng duy nhất tổ chức vận động, lãnh đạo, đồng thời là người đi tiên phong trong sự nghiệp cách mạng đấu tranh giành độc lập dân tộc. Cách mạng tháng Tám thành công, ngày 2 tháng 9 năm 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, nay là Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Từ khi ra đời, Đảng đã lãnh đạo nhân dân ta thành công 2 cuộc kháng chiến chống thực dân và đế quốc xâm lược đầy hy sinh, gian khổ vì độc lập, tự do của dân tộc, vì hạnh phúc của nhân dân và tiến hành công cuộc đổi mới đất nước do Ðảng ta khởi xướng, đưa Việt Nam sánh vai với các nước trong khu vực, tạo nên vị thế mới trong cộng đồng quốc tế. Vì lẽ đó, Ðảng Cộng sản Việt Nam đã xác lập được vị trí lãnh đạo Nhà nước và xã hội thông qua uy tín của Ðảng và niềm tin của nhân dân.

Tuy nhiên, trong Hiến pháp 1946, bản Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa được ra đời không có điều nào quy định “Đảng là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội”, là do tình thế đặc biệt của cách mạng lúc bấy giờ. Cuối năm 1945, Đảng ta đã ra tuyên bố tự giải tán, nhưng sự thật là rút lui vào hoạt động bí mật, giữ vững vai trò lãnh đạo nhân dân đánh thắng thực dân, đế quốc xâm lược và hoàn thành nhiệm vụ cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân. Trong thập niên 50 của thế kỷ XX, đế quốc Mỹ nhảy vào can thiệp miền Nam, đất nước ta bị chia cắt, Đảng bộ miền Nam cũng chưa ra hoạt động công khai vì bộ luật 10-59 của ngụy quyền Sài Gòn nhằm “tiêu diệt cộng sản” cực kỳ hà khắc, man rợ. Vì vậy, trong Hiến pháp 1959 cũng chưa đề cập đến vai trò lãnh đạo của Đảng.

Sau khi giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc, cả nước đi lên Chủ nghĩa xã hội, dân tộc ta có chung một bản Hiến pháp mới, trong đó khẳng định Đảng là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội. Điều này là tất yếu, phù hợp với yêu cầu lịch sử, nhiệm vụ cách mạng mới, đáp ứng nguyện vọng của nhân dân và thực hiện đúng cơ chế vận hành “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ” trong thời kỳ quá độ đi lên CNXH ở nước ta. Tại Điều 4 Hiến pháp năm 1980 ghi rõ: “Đảng Cộng sản Việt Nam, đội tiên phong và bộ tham mưu chiến đấu của giai cấp công nhân Việt Nam, được vũ trang bằng học thuyết Mác - Lê-nin, là lực lượng duy nhất lãnh đạo Nhà nước, lãnh đạo xã hội; là nhân tố chủ yếu quyết định mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam. Đảng tồn tại và phấn đấu vì lợi ích của giai cấp công nhân và nhân dân Việt Nam. Các tổ chức của Đảng hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp”1.

Kế thừa tinh thần đó, Điều 4 Hiến pháp năm 1992 quy định: “Đảng Cộng sản Việt Nam, đội tiên phong của giai cấp công nhân Việt Nam, đại biểu trung thành quyền lợi của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc, theo chủ nghĩa Mác - Lê-nin và tư tưởng Hồ Chí Minh, là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội. Mọi tổ chức của Đảng hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật”2.

Tiếp tục kế thừa quy định tại Điều 4 của Hiến pháp năm 1992, Hiến pháp 2013 khẳng định tính lịch sử, tính tất yếu khách quan sự lãnh đạo của Đảng đối với quá trình cách mạng, xây dựng và bảo vệ tổ quốc của nước ta. So với Hiến pháp năm 1992, Hiến pháp 2013 có sự bổ sung và phát triển quan trọng vì đã khẳng định và làm rõ hơn, đầy đủ hơn bản chất, vai trò lãnh đạo của “Đảng Cộng sản Việt Nam - Đội tiên phong của giai cấp công nhân lao động và của dân tộc Việt Nam, đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc, lấy chủ nghĩa Mác - Lê nin, tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội”. Chính do bản chất và nền tảng tư tưởng của Đảng như vậy nên nhân dân ta thừa nhận vai trò lãnh đạo Nhà nước và xã hội của Đảng và ghi nhận vào Hiến pháp - đạo luật cơ bản của Nhà nước. Đồng thời, Hiến pháp đã bổ sung vào Điều 4 quy định về trách nhiệm của “Đảng Cộng sản Việt Nam phải gắn bó mật thiết với Nhân dân, phục vụ Nhân dân, chịu sự giám sát của Nhân dân, chịu trách nhiệm trước Nhân dân về những quyết định của mình”. Sự bổ sung này thể hiện bản chất tiên phong, cách mạng, quy định rõ trách nhiệm chính trị - pháp lý của Đảng đối với Nhân dân và chính vì vậy, Nhân dân ta mới giao trọng trách cho Đảng là lãnh đạo Nhà nước và xã hội. Tại Điều 4 Hiến pháp cũng quy định “Các tổ chức của Đảng và đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và Pháp luật” có nghĩa là Hiến pháp không chỉ khẳng định trách nhiệm các tổ chức của Đảng mà còn quy định trách nhiệm của đảng viên là đội ngũ tiền phong, tiêu biểu về bản lĩnh, trí tuệ, phẩm chất, năng lực hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật, nhằm bảo đảm cho Đảng giữ vững bản chất, mục tiêu, lý tưởng của mình, đồng thời là giải pháp quan trọng hàng đầu để phòng, chống, ngăn ngừa mọi nguy cơ thoái hóa, biến chất có thể xảy ra trong điều kiện một Đảng duy nhất cầm quyền ở nước ta. Mặt khác, việc xác định trách nhiệm của các đảng viên trong việc tự giác, gương mẫu thực hiện, chấp hành Hiến pháp và pháp luật cũng không ngoài mục đích làm cho “đội ngũ tiên phong của Đảng” phải thường xuyên nêu cao ý thức, thái độ, trách nhiệm cả về suy nghĩ và việc làm, tư tưởng và hành động trong việc sống, làm theo Hiến pháp và pháp luật (là đạo luật cơ bản và có hiệu lực pháp lý cao nhất của nước Cộng hòa XHCN Việt Nam) để làm gương cho Nhân dân noi theo3.

Vai trò lãnh đạo của Ðảng đối với Nhà nước và xã hội không chỉ được quy định trong Hiến pháp, mà còn được cụ thể hóa trong các văn bản pháp luật về tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước, các tổ chức xã hội, tổ chức kinh tế hoặc điều lệ của các cơ quan, tổ chức tùy theo mối quan hệ cụ thể. Việc Hiến pháp quy định Đảng lãnh đạo Nhà nước và xã hội không chỉ là tư tưởng xuyên suốt, nhất quán để khẳng định vị trí, vai trò độc tôn lãnh đạo của Đảng, mà còn là một nguyên tắc bất di bất dịch của cách mạng Việt Nam, phù hợp với thể chế chính trị - xã hội mà Việt Nam đã lựa chọn.

Như vậy, có thể nói, vai trò lãnh đạo của Ðảng được xây dựng trên cơ sở pháp lý đồng bộ (hệ thống các văn bản pháp luật) và đồng thuận (Cương lĩnh, Điều lệ, Nghị quyết, Quy chế) của các tổ chức có liên quan, không phải do Ðiều lệ Ðảng "đơn phương" quy định. Ðây là một yếu tố quan trọng bảo đảm tính chính danh đầy đủ của quy định tại Ðiều 4 Hiến pháp 2013 và Ðiều lệ Ðảng, điều lệ các tổ chức chính trị - xã hội và tổ chức xã hội về mối quan hệ của Ðảng với các tổ chức khác./.

THÁI KHẮC THƯ
Phó trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy

Tin liên quan
 
12

CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ SỞ TƯ PHÁP TỈNH NGHỆ AN

Trưởng ban biên tập: Ông Nguyễn Công Hoan - Phó Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Nghệ An

Điện thoại: 038.3 842 283/ Email: tp@nghean.gov.vn

Địa chỉ: số 56 Nguyễn Thị Minh Khai - Hưng Bình - TP.  Vinh tỉnh Nghệ An

® Ghi rõ nguồn Cổng TTĐT Sở Tư pháp tỉnh Nghệ An (hoặc tuphap.nghean.gov.vn) khi trích dẫn tin từ địa chỉ này.