TIN MỚI
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
TIẾN ĐỘ GIẢI QUYẾT HỒ SƠ

image advertisementimage advertisement
image advertisement
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp của CBCVVC Ngành Tư pháp và vấn đề nâng cao kỷ cương, đạo đức công vụ, ý thức trách nhiệm, tinh thần phục vụ nhân dân của Ngành Tư pháp tỉnh Nghệ An

Hoàng Quốc Hào – Giám đốc Sở

Ngày 03/10/2012, Bộ Tư pháp đã ban hành Quyết định số 2659/QĐ-BTP về việc ban hành Chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp của cán bộ, công chức, viên chức Ngành Tư pháp, kèm theo các nội dung cụ thể của Chuẩn mực. Đây là bản Chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp chung đối với cán bộ, công chức, viên chức của toàn Ngành, đặc biệt là trong điều kiện hiện nay khi toàn Đảng, toàn dân ta đang quyết tâm thực hiện đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức, phong cách của Hồ Chí Minh, tăng cường phẩm chất đạo đức, ý thức trách nhiệm phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân.

Chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp của cán bộ, công chức, viên chức Ngành Tư pháp

Trong suốt cuộc đời cách mạng của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm sâu sắc vấn đề giáo dục, rèn luyện xây dựng đội ngũ cán bộ, coi vấn đề này là nhiệm vụ then chốt bảo đảm thành công của sự nghiệp cách mạng. Đối với người cán bộ, công chức, Bác luôn luôn nhắc nhở phải làm tròn chức năng “công bộc”, “đầy tớ của dân”. Bổn phận của người cán bộ, công chức không có gì khác ngoài trách nhiệm phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân. Tại Hội nghị học tập của cán bộ ngành Tư pháp năm 1950, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: “Nghĩ cho cùng, vấn đề tư pháp, cũng như mọi vấn đề khác trong lúc này, là vấn đề ở đời và làm người”. Bác nói: “Tư pháp là một cơ quan trọng yếu của chính quyền”, những cán bộ tư pháp là “bậc trí thức”, “có trách nhiệm nặng nề và vẻ vang là làm tấm gương cho dân trong mọi việc” và những ai đã trọn nghề tư pháp phải coi trọng “phụng công, thủ pháp, chí công vô tư”

Trong giai đoạn hiện nay, thực hiện sự nghiệp cải cách tư pháp, cải cách hành chính, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế, vấn đề bồi dưỡng, rèn luyện đạo đức nghề nghiệp của cán bộ, công chức nói chung và cán bộ, công chức tư pháp nói riêng là vấn đề đang được Đảng và Nhà nước ta hết sức quan tâm và là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của các cơ quan tư pháp các cấp.

Chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp của của cán bộ, công chức, viên chức Ngành Tư pháp được xây dựng trên cơ sở quán triệt và thể hiện nổi bật tinh thần những lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh về đạo đức cách mạng, về công tác tư pháp và người cán bộ tư pháp; phát huy truyền thống xây dựng, trưởng thành và phát triển của Ngành và yêu cầu nhiệm vụ, thực tiễn phát triển đất nước trong thời kỳ mới. Đây là những tiêu chuẩn đạo đức cơ bản và toàn diện về phẩm chất nghề nghiệp của người cán bộ tư pháp gắn liền với đặc trưng, chức năng, nhiệm vụ, đặc điểm công tác của Ngành Tư pháp, được quán triệt và thực hiện thống nhất đối với cán bộ, công chức, viên chức toàn Ngành. Chuẩn mực là phương châm, kim chỉ nam cho mọi hoạt động nghề nghiệp của cán bộ, công chức, viên chức Ngành Tư pháp và là tiêu chí để cán bộ, công chức, viên chức của Ngành rèn luyện, tu dưỡng, phấn đấu theo tấm gương đạo đức, phong cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh nhằm phục vụ ngày càng tốt hơn cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp thể hiện nổi bật và súc tích các chuẩn mực về lòng trung thành, phấn đấu của cán bộ, công chức, viên chức Ngành Tư pháp đối với mục tiêu xây dựng Tổ quốc Việt Nam XHCN gắn liền với đặc trưng nhiệm vụ của Ngành; về thái độ ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức của Ngành trong quan hệ với nhân dân; về nguyên tắc, phương pháp thực hiện công tác tư pháp; về phẩm chất đạo đức đối với đồng nghiệp và bản thân mà cán bộ, công chức, viên chức của Ngành cần nêu gương thực hiện. Đó là:

Với Tổ quốc, cán bộ tư pháp phải trung thành, phấn đấu vì “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” và Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân;

Với nhân dân, cán bộ tư pháp phải gần dân, hiểu dân, giúp dân, học dân; phục vụ nhân dân, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của nhân dân;

Với công tác tư pháp, cán bộ tư pháp phải trách nhiệm, tận tụy, sáng tạo, kỷ cương, phụng công, thủ pháp, chí công vô tư;

Với đồng nghiệp, cán bộ tư pháp phải đoàn kết, thân ái, hợp tác, cùng tiến bộ;

Với bản thân, phải nêu gương cần, kiệm, liêm, chính, thượng tôn pháp luật.

Những chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp của cán bộ, công chức, viên chức ngành Tư pháp không phải là những đòi hỏi cao xa, viển vông, mà là những yêu cầu cụ thể về nghĩa vụ và trách nhiệm, lương tâm và hành động của từng cán bộ, công chức, viên chức trong ngành Tư pháp. Chuẩn mực đạo đức này hết sức gần gũi với công chức nói chung đồng thời gắn liền với nghề nghiệp nói riêng của cán bộ, công chức, viên chức ngành Tư pháp.

Trong giai đoạn xây dựng nhà nước pháp quyền hiện nay, với yêu cầu đẩy mạnh cải cách chế độ công vụ, hướng tới mục tiêu xây dựng nền công vụ “chuyên nghiệp, trách nhiệm, năng động, hiệu quả” việc xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức có đủ phẩm chất, đạo đức và có năng lực, trình dộ chuyên môn đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao là khâu có ý nghĩa quyết định, bảo đảm sự thành công trong việc thực hiện mục tiêu trên.

Công tác tư pháp là một trong những lĩnh vực nhạy cảm của hoạt động hành chính tư pháp và bổ trợ tư pháp. Mỗi cán bộ, công chức, viên chức tư pháp ở bất cứ vị trí công tác nào ít nhiều đều liên quan đến quyền và lợi ích của người dân, nhất là các vị trí làm việc gắn liền với các quyền nhân thân của công dân. Phục vụ, “công bộc của nhân dân” hay gây khó khăn cho nhân dân đều tùy thuộc vào lương tâm, thái độ và trách nhiệm của người thừa hành công vụ. Chính vì vậy, việc thường xuyên rèn luyện và học tập làm theo tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh theo Chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp Ngành Tư pháp góp phần quan trọng vào công cuộc cải cách chế độ công vụ của Ngành nói riêng và của cả nước nói chung.

Nâng cao kỷ cương, đạo đức công vụ, ý thức trách nhiệm, tinh thần phục vụ nhân dân của Ngành Tư pháp

Kỷ luật, kỷ cương hành chính, đạo đức nghề nghiệp trong hoạt động công vụ là yếu tố quan trọng để nâng cao hiệu quả hoạt động tại các cơ quan, đơn vị. Ngành Tư pháp tỉnh Nghệ An với một đội ngũ cán bộ tương đối đông đải, bảo đảm về số lượng và chất lượng, hiện có: Cấp tỉnh 81 công chức, viên chức, người lao động (trong đó 73 người có trình độ Đại học luật trở lên, chiếm 90%); cấp huyện có 72 công chức, viên chức (trong đó 55 người có trình độ Đại học luật trở lên, chiếm 76 %), cán bộ tư pháp cấp xã có 761 công chức, viên chức (trong đó 393 người có trình độ Đại học luật trở lên, chiếm 51,64%). Đội ngũ cán bộ Ngành Tư pháp tỉnh nhìn chung đáp ứng đủ yêu cầu về trình độ chuyên môn và có tinh thần trách nhiệm phục vụ nhân dân trong quá trình thực hiện nhiệm vụ. Trong những năm qua, thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước về cải cách hành chính, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức Ngành Tư pháp đã và đang góp phần đáng kể vào tiến trình cải cách hành chính theo mục tiêu xây dựng nền hành chính hiện đại, có tính chuyên nghiệp cao đáp ứng yêu cầu thời kỳ mới.

Ngành Tư pháp tỉnh Nghệ An đã quán triệt toàn Ngành thực hiện chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh nhằm tạo chuyển biến tích cực trong thực hiện kỷ luật, kỷ cương hành chính thông qua việc thực hiện những văn bản cụ thể, điển hình là Chỉ thị 17 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính trong các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh. Trong quá trình triển khai, Nghệ An đã gắn việc thực hiện Chỉ thị số 17-CT/TU ngày 03/12/2013 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy “Tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính trong các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh”; với các chủ trương của Đảng, Nhà nước như: Chỉ thị số 05/2008/CT-TTg ngày 31/1/2008 của Thủ tướng Chính phủ "Về việc nâng cao hiệu quả sử dụng thời giờ làm việc của cán bộ, công chức, viên chức nhà nước"; Nghị định 34/2011/NĐ-CP ngày 17/5/2011 của Chính phủ quy định về xử lý kỷ luật đối với công chức; Đề án số 07-ĐA/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về nâng cao tính gương mẫu, chống tư tưởng bảo thủ, trông chờ, ỷ lại trong cán bộ, đảng viên. Nhờ đó, cán bộ tư pháp các cấp từ tỉnh, huyện, xã đã có những chuyển biến trong nhận thức, ý thức trách nhiệm, tác phong làm việc khoa học, sáng tạo, năng động; việc học tập nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ đã trở thành nhu cầu cần thiết của cán bộ, công chức giúp cho việc tham mưu, giải quyết công việc được chính xác, nhanh chóng đem lại hiệu quả cao hơn trong công việc, góp phần quan trọng vào thực hiện nhiệm vụ chính trị của mỗi cơ quan, đơn vị, địa phương.

Tuy nhiên, cũng cần nhận thấy một thực tế: Vẫn còn không ít cán bộ, công chức trong Ngành Tư pháp hiện nay còn đang làm việc với tinh thần trách nhiệm chưa chủ động, tích cực. Một số cán bộ, công chức trong cách nghĩ, cách làm, thiếu sự năng động, sáng tạo và đổi mới; cách làm việc vẫn còn gây phiền hà, hành chính hoá, không thạo việc, tác phong chậm chạp, rườm rà, thái độ thờ ơ, thiếu trách nhiệm, nói nhưng không làm, sử dụng thời gian làm việc không hiệu quả, có tình trạng đi muộn về sớm, đùn đẩy trách nhiệm, ứng xử thiếu văn hóa... dẫn đến sự trì trệ trong giải quyết công việc cho tổ chức và công dân đến liên hệ công tác… dẫn đến sự bức xúc, không đồng tình của người dân.

Kết luận thanh tra chuyên ngành lĩnh vực hộ tịch, chứng thực tại một số đơn vị trên địa bàn tỉnh Nghệ An của Cục Hộ tịch, quốc tịch, chứng thực (Bộ Tư pháp) năm 2018 đã chỉ ra một số sai sót, vi phạm tại các đơn vị là đối tượng thanh tra cho thấy: Tại ¾ đơn vị là đối tượng thanh tra đều có sai sót trong việc ghi chép, sử dụng sổ đăng ký hộ tịch; ghi, sửa chữa sổ đăng ký hộ tịch chưa đúng quy định tại Thông tư số 15/2015/TT-BTP ngày 16/11/2015 của Bộ Tư pháp. Có hiện tượng sai sót, vi phạm trong trình tự, thủ tục giải quyết hồ sơ đăng ký hộ tịch; thu, nộp lệ phí hộ tịch, còn có tình trạng kéo dài thời hạn giải quyết… Rõ ràng, còn có những hiện tượng và sai sót này diễn ra trong công tác Tư pháp của tỉnh trước hết là do tinh thần trách nhiệm của một số cán bộ Tư pháp ở cơ sở chưa cao, chưa tuân thủ quy định của pháp luật. Một bộ phận cán bộ, công chức vẫn còn lợi ích cá nhân, tuỳ tiện; năng lực hạn chế, không chịu nghiên cứu, tích lũy kinh nghiệm nên hiệu quả công tác chưa đáp ứng yêu cầu. Nguyên nhân này dẫn tới hiệu quả giải quyết công việc thấp, văn bản triển khai không phù hợp thực tiễn của địa phương, lĩnh vực; hiện tượng hành dân còn diễn ra nhưng phát hiện xử lý chưa nhiều.

Xuất phát từ thực trạng chung, để nâng cao trách nhiệm, đạo đức công vụ và đặc biệt là tinh thần phục vụ Nhân dân của người cán bộ, công chức Tư pháp, trước hết phải là trách nhiệm của người đứng đầu. Qua đó, phát huy vai trò chỉ đạo, lãnh đạo đơn vị để cán bộ, đảng viên, công chức thực hiện nghiêm túc. Bên cạnh đó, cần đánh giá đúng chất lượng, trình độ của cán bộ, công chức, viên chức làm cơ sở sắp xếp, điều chuyển, bố trí nhân sự phù hợp với vị trí việc làm. Kiên quyết thực hiện tinh giản số công chức, viên chức năng lực yếu, thiếu tinh thần trách nhiệm, không hoàn thành nhiệm vụ được giao theo đúng quy định của pháp luật.

Năm 2018, Sở Tư pháp tỉnh Nghệ An đã trình UBND tỉnh phê duyệt Đề án Sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động giai đoạn 2018 - 2021 và những năm tiếp theo của cơ quan Sở Tư pháp. Đây là cơ sở để Ngành Tư pháp tỉnh thực hiện hiệu quả hoạt động chuyên môn của Ngành cũng như tiếp tục thực hiện Chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp của cán bộ, công chức, viên chức Ngành Tư pháp và nâng cao kỷ cương, đạo đức công vụ, ý thức trách nhiệm, tinh thần phục vụ nhân dân của Ngành Tư pháp tỉnh.

Để thực hiện tốt trách nhiệm của người cán bộ, công chức ngành Tư pháp, trong thời gian tới, mỗi cán bộ, công chức, viên chức phải siết chặt kỷ luật, kỷ cương, đạo đức công vụ, kiện toàn và đổi mới hơn nữa công tác tổ chức, cán bộ, lề lối làm việc. Mỗi cơ quan, đơn vị trong toàn Ngành từ tỉnh đến cơ sở cần quán triệt và thực hiện tốt chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp của Ngành Tư pháp, tăng cường sự đoàn kết, kiên trì đổi mới, năng động, sáng tạo, hoàn thành xuất sắc công tác Tư pháp trong thời kỳ mới, xứng đáng hơn nữa với sự ghi nhận cấp ủy, chính quyền và của Nhân dân./.

CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ SỞ TƯ PHÁP TỈNH NGHỆ AN

Trưởng ban biên tập: Ông Nguyễn Công Hoan - Phó Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Nghệ An

Điện thoại: 038.3 842 283/ Email: tp@nghean.gov.vn

Địa chỉ: số 56 Nguyễn Thị Minh Khai - Hưng Bình - TP.  Vinh tỉnh Nghệ An

® Ghi rõ nguồn Cổng TTĐT Sở Tư pháp tỉnh Nghệ An (hoặc tuphap.nghean.gov.vn) khi trích dẫn tin từ địa chỉ này.